Hà Nội vẫn thanh tra các dự án có dấu hiệu tiêu cực trong dịch Covid-19
Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo rà soát lại và đề xuất tạm dừng thanh tra các dự án bất động sản nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2020. Tuy nhiên, kế hoạch thanh tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các vụ việc phức tạp vẫn triển khai.
Hà Nội vẫn thanh tra các dự án bất động sản có dấu hiệu vi phạm, vụ việc phức tạp trong mùa dịch Covid-19. |
Để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động ổn định sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch TP.Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã giao cho Thanh tra Thành phố, thanh tra chuyên ngành thuộc các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát lại kế hoạch thanh tra các dự án năm 2020; đề xuất tạm dừng thanh tra theo kế hoạch.
Tuy nhiên, đối với những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận vẫn tiếp tục thanh tra theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Đức Chung còn yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình. Đối với những dự án gặp khó khăn, vướng mắc phải làm rõ tồn tại, hạn chế, phân công cán bộ tháo gỡ, xử lý; chủ động báo cáo, đề xuất các cấp thẩm quyền để giải quyết.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các dự án, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Các dự án bị thanh tra bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Vinaconex - Posco), Dự án Khu đô thị “Thành phố Giao Lưu” tại quận Bắc Từ Liêm của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA, Dự án Khu đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại Học Vân Canh tại huyện Hoài Đức của Công ty CP Đầu tư An Lạc.
Liên quan tới kế hoạch thanh tra các dự án bất động sản có quỹ đất "khủng", mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai đối với một số địa phương và các dự án bất động sản không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu trong sai phạm trong quản lý, sử dụng đất theo Chỉ thị Số: 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội.
Trọng tâm của đợt thanh tra là việc chấp hành các quy định của pháp luật về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử đất…
Đáng chú ý, dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora) cũng nằm trong “tầm ngắm” bị thanh tra. Được biết, dự án này có tổng diện tích lên tới hơn 264 ha nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh, Hà Nội, được cấp chứng nhận đầu tư vào 8/12/2006.
Chủ đầu tư là Liên doanh Công ty TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) gồm 2 pháp nhân là Tổng Công ty Vinaconex và Công ty Xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc) mỗi bên nắm 50%, khi đó tổng mức đầu tư được công bố dự tính là 2,57 tỉ USD. Tháng 2/2007 dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 vào tháng 8/2007. Đến năm 2009, chủ đầu tư khởi công xây dựng giai đoạn 1 của dự án với khoảng 50ha (khu nhà ở cao cấp Splendora), đã hoàn thành vào năm 2013 (quy mô 1049 biệt thự, nhà liền kề và chung cư).
Tháng 6/2017, chủ đầu tư tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (khu biệt thự Lakeside Splendora quy mô gần 4,7 ha có tổng vốn đầu tư khoảng 32,4 triệu USD (gồm 77 lô biệt thự cao cấp). Đầu năm 2018, nhóm cổ đông mới xuất hiện và ra mắt Công ty đầu tư An Khánh JVC. Posco E&C đã nhượng lại toàn bộ phần vốn góp 50% cho Công ty Địa ốc Phú Long (thuộc Sovico Holdings của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo). Sau khi nhóm cổ đông mới mua lại cổ phần và giữ quyền điều hành tại Vinaconex, các bên đã xảy ra tranh chấp gay gắt về định hướng phát triển dự án Splendora từ cuối năm 2018 đến nay, khiến cho dự án này vận dậm chân tại chỗ.
Đối với dự án Thành phố Giao lưu do Công ty Vigeba làm chủ đầu tư, cuối năm 2017, Thanh tra Chính chủ đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội và chủ đầu tư chưa ký hợp đồng thuê đất đối với các phần diện tích thuê ở các lô CC, HH, THPT, THCS, NT, P, tổng diện tích 170.759m2. Chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, vi phạm Luật Đất đai.
Chủ đầu tư còn có vi phạm khi điều chỉnh quy hoạch từ phần quy hoạch đất cách ly, đất cây xanh đã cho cống hóa, xây nhà thấp tầng để bán. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) được TP. Hà Nội giao làm chủ đầu tư công trình cống hóa mương thoát nước Cổ Nhuế 1 và Geleximco được xây dựng khu nhà ở thấp tầng có vườn, với tổng diện tích trên 34.000m2. Theo Quy hoạch chi tiết 1/500, có khoảng 21.000m2 để làm mương thoát nước kết hợp bãi đỗ xe; trên 13.000m2 đất còn lại Geleximco được phép xây dựng nhà ở thấp tầng có vườn để bán với tổng 94 căn.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát lại việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ sai quy định, để xử lý nghiêm túc; đồng thời xác định tiền sử dụng đất của dự án theo đúng quy định, thu về ngân sách nhà nước; tiến hành các thủ tục ký hợp đồng thuê đất và tính tiền sử dụng đất đối với 170.759m2 đất nói trên.
Dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu do Công ty Vigeba làm chủ đầu tư xảy ra hàng loạt sai phạm. |
Bên cạnh đó, Geleximco còn có một số sai phạm tại Dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu, như: khởi công xây dựng công trình chưa có giấy phép như Tổ hợp công trình nhà ở thương mại kết hợp công cộng dịch vụ gồm 8 khối nhà chung cư cao tầng ký hiệu A1 - A8 (hợp khối tầng 2 thành cụm nhà A1-A2; A3-A4; A5-A6; A7-A8) sử dụng chung tầng hầm thuộc dự án Ngôi sao An Bình 2 (An Bình City) cho Geleximco. Ngày 13/5/2016, UBND phường Cổ Nhuế 1 đã đình chỉ thi công công trình do vi phạm trật tự đô thị. Ngày 27/5/2016, UBND quận Bắc Từ Liêm đã xử phạt vi phạm hành chính Geleximco. Đến ngày 30/11/2016, Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp giấy phép xây dựng công trình.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, vi phạm xây dựng tại một số dự án lớn. Tháng 1/2020, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo về xử lý sau thanh tra các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên. Theo Kết luận này, có 5 dự án do Công ty Lã Vọng và các công ty thành viên làm chủ đầu tư, gồm: dự án tại ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 khu đô thị đông nam đường Trần Duy Hưng; dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (Long Biên); dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình theo hình thức BT; dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tại khu đô thị tây nam đường 70 (Nam Từ Liêm); dự án khu nhà ở cao cấp tại khu đô thị Quốc Oai. Ngoài ra, có 3 dự án Công ty Lã Vọng và đơn vị thành viên tham gia hợp tác đầu tư, gồm: dự án trụ sở làm việc và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Xa La (Hà Đông); dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6; dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai). Ngoài ra, có 1 dự án công ty Lã Vọng thuê mặt bằng kinh doanh là dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa. Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 9 dự án nói trên, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cụ thể với những sai phạm của từng dự án. |
Quang Huy