Hà Nội: Triển khai lập quy hoạch 31 phân khu các đô thị vệ tinh
Trong thời gian tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội sẽ đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị. Đặc biệt là các quy hoạch phân khu nội đô, quy hoạch phân khu sông Hồng.
Thông tin về kết quả công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc năm 2021 trên địa bàn Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Sở đã đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị; đặc biệt là các quy hoạch phân khu nội đô, quy hoạch phân khu sông Hồng. Chất lượng quy hoạch được chú trọng và từng bước được nâng cao.
Kết quả, đầu năm 2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã hoàn thành thẩm định, trình và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thêm 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4. Các đồ án đã được công bố rộng rãi theo quy định. Bên cạnh đó, Sở đang tiếp tục đôn đốc hoàn thiện các đồ án quan trọng là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống.
Đối với quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh (quy hoạch phân khu cấp 2), có tổng cộng 31 đồ án thuộc 5 đô thị vệ tinh đang được nghiên cứu, bao gồm cả các quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây do UBND thành phố mới giao các đơn vị.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã có ý kiến đối với 6 đồ án, gồm 3 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai và 3 đồ án thuộc quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên.
Trong năm 2022, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phấn đấu hoàn thành, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung còn lại gồm: Quy hoạch phân khu sông Hồng (R1-5), sông Đuống (R6), Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh... Đồng thời, hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố; Quy hoạch chi tiết 2 làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng; Quy hoạch chi tiết ga Hà Nội và phụ cận; hoàn thành phê duyệt 3/5 đồ án quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung còn lại; hoàn thành phê duyệt một số đồ án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội...
Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu trước đây, các quy hoạch của Hà Nội thường được phát triển theo phương thức dàn hàng ngang thì đến thời điểm này, thành phố chọn cách phát triển có trọng tâm, trọng điểm là hướng đi phù hợp. Trong 5 đô thị vệ tinh, đô thị Hòa Lạc được chọn để đi trước và là mũi nhọn đầu tiên cho phát triển các đô thị vệ tinh vì đã hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Việc xây dựng thành công đô thị này sẽ là bài học quý để Thủ đô thực hiện phát triển các đô thị vệ tinh còn lại kết nối theo chức năng chuyên biệt, giảm áp lực quá tải cho khu đô thị lõi.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để đô thị Hòa Lạc tạo sức hút với quy mô 60 vạn dân đến sống, Hà Nội cần đẩy nhanh quy hoạch phân khu còn lại để kêu gọi các nhà đầu tư, hình thành các mô hình đô thị hiện đại, đồng bộ, có chất lượng cuộc sống cao. Đáng lưu ý, đô thị chủ yếu chuyển đổi từ đất nông nghiệp nên cần bảo đảm an ninh lương thực và hài hòa trong phát triển quỹ đất. Chế độ đền bù đất đai phải bảo đảm, có hướng chuyển dịch cho lao động nông thôn.
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc có diện tích lớn nhất trong số các đô thị vệ tinh của Hà Nội, khi hình thành sẽ tạo động lực phát triển cho một vùng rộng lớn phía Tây Thủ đô. Khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc có điều kiện địa chất, địa hình ổn định, đã hình thành điều kiện hạ tầng giao thông cơ bản kết nối với đô thị trung tâm theo Đại lộ Thăng Long, kết nối giao thông Bắc - Nam theo đường Hồ Chí Minh. Thời gian tới thành phố cần đẩy mạnh việc hình thành nhiều tuyến đường nối trung tâm với đô thị Hòa Lạc như trục Tây Thăng Long, trục Hồ Tây - Ba Vì (đoạn Vành đai 4 đến Hòa Lạc)… Các tuyến đường sắt Hòa Lạc - Văn Cao, Hòa Lạc - Sơn Tây, Hòa Lạc - Xuân Mai.
Theo PGS.TS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, để thu hút việc di dân đến đô thị vệ tinh Hòa Lạc, ngoài việc phát triển giao thông kết nối còn cần tận dụng lợi thế về mặt tự nhiên. Thúc đẩy du lịch tại khu vực núi Ba Vì, núi Viên Nam, sông Tích, hồ Đồng Mô và hồ Tân Xá phục vụ cho cộng đồng và lao động trong ngành dịch vụ du lịch. Tiếp tục xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng Đồng Mô, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam để tạo việc làm cho người dân.
Xây dựng trung tâm đô thị Hòa Lạc tại khu vực giao cắt của Đại lộ Thăng Long và QL21, theo mô hình đô thị nén, chủ yếu phát triển nhà cao tầng; đồng thời đầu tư xây dựng khu đô thị mới phía Đông đường Hồ Chí Minh, xây dựng các khu đô thị mới hiện đại và đồng bộ, khuyến khích phát triển mật độ cao. Phía Tây đường Hồ Chí Minh kiểm soát phát triển, ưu tiên xây nhà ở mật độ trung bình và thấp tầng, với công trình công cộng và nhà ở hỗn hợp nên bố trí một số công trình cao tầng giải quyết nhu cầu chỗ ở cho dân cư tại chỗ và dân nhập cư.
Xuân Hòa