Hà Nội “phố biến thành sông” sau trận mưa lịch sử, Bộ trưởng TN&MT nói gì?
Trước tình trạng "cứ mưa là ngập" ở các thành phố lớn, theo Bộ trưởng TN&MT phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Đồng thời, phải dự báo được tính cực đoan của thời tiết và tính được số lượng dân cư sử dụng để có một hệ thống đáp ứng được nhu cầu.
Vượt mốc lịch sử trong vòng 36 năm qua
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia), cơn mưa chiều 29/5 biến nhiều nơi ở Hà Nội thành sông được xác nhận vượt mốc lịch sử trận mưa năm 1986.
Số liệu thực đo cho thấy, lượng mưa đo được từ khoảng 13 giờ đến 19 giờ trên địa bàn Hà Nội tại trạm Láng là 140,4 mm, Hoài Đức 53 mm, Thanh Trì 119,2 mm… Đặc biệt, lượng mưa ghi nhận tại trạm Láng (quận Đống Đa), lượng mưa từ 14 đến 16 giờ là 138 mm. Theo số liệu, lượng mưa tích lũy trong 2 giờ ngày 18/6/1986 tại trạm khí tượng này đạt 132,5 mm. Như vậy, trận mưa chiều 29/5 là một trong những kỷ lục mưa giông được thiết lập ở Hà Nội trong vòng 36 năm qua.
Trên thực tế, những cơn mưa xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây và dự báo kéo dài trong vài ngày tới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, đặc biệt có nguy cơ dẫn đến mất an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông trong điều kiện đường ngập sâu, cản trở tầm nhìn. Mưa kèm sấm chớp đặc biệt gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực có nhiều cây lớn.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (30/5), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có những chia sẻ liên quan việc Hà Nội ngập sâu, nhiều nơi “phố biến thành sông” sau trận mưa chiều qua (29/5).
Ở các khu đô thị có những khu phức hợp với vùng lõi lại là các nhà cao tầng, có ý kiến cho rằng đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau một cơn mưa lớn đường phố biến thành sông. Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng ùn tắc, ngập úng. Nhưng trong câu chuyện này, điều cốt lõi là hạ tầng tiêu thoát nước phải tính được những yếu tố như lượng nước con người sử dụng, lượng nước thải hay nước mưa từ thời tiết cực đoan.
Bên cạnh đó, liệu có phải năng lực dự báo còn hạn chế nên không đánh giá hết được những nguy cơ ngập úng ở các thành phố khi có diễn biến thời tiết bất lợi? Theo Bộ trưởng, dự báo có thể nói đến lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian, tính toán được trên một mét vuông lượng mưa thế nào. Hiện công tác dự báo cũng đã thực hiện được điều đó. Tất nhiên để dự báo trong thời gian ngắn, chính xác là điều không dễ. Đặc biệt, bài toán đặt ra là phải dự báo trong điều kiện thời tiết cực đoan, dù độ chính xác còn khác nhau. Từ dự báo, vấn đề là chúng ta cần làm tiếp là giải bài toán về khả năng của hệ thống tiêu thoát nước.
Nhìn lại toàn bộ hạ tầng các khu đô thị
Hiện nay, thời tiết có những biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên, không chỉ ảnh hưởng với Việt Nam mà ngay cả với các nước có cơ sở hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu. Theo Bộ trưởng, nếu lượng mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chống chịu, đáp ứng được. "Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề có nguy cơ như nhau", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Trước tình trạng cứ mưa là ngập ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, theo Bộ trưởng TN&MT phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị.
“Khi thiết kế thì mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau, phải dự báo được tính cực đoan của thời tiết và tính được số lượng dân cư sử dụng để có một hệ thống đáp ứng được nhu cầu”, người đứng đầu Bộ TN&MT cho hay.
Với những loại hình thời tiết cực đoan phải có những dự báo dài hạn, không chỉ dự báo hàng năm mà có thể dự báo cho 20 đến 30 và thậm chí 50 năm sau. Từ phương án dài hạn sẽ làm cơ sở cho khâu thiết kế hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt, bố trí sắp xếp khu dân cư...
Bàn về các giải pháp hạn chế tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trước hết, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo.
Đồng thời, Hà Nội cũng cần có dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử, số liệu hiện nay về hiện tượng thời tiết cực đoan.
Liên quan đến gợi ý Hà Nội có nên xây dựng dự án chống ngập giống TP.HCM, Bộ trưởng nhận định, Hà Nội cần lập dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu về các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Hà Nội cũng cần có cách tiếp cận khi thiết kế đô thị là hướng tới đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Còn khi đã ngập rồi thì phải sử dụng máy bơm để thoát nước, chỉ là phương án ứng phó mà thôi. Khi xây dựng đô thị, phải tính toán hệ thống tiêu thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị, để trở thành đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh, đảm bảo được tính bền vững khi thời tiết cực đoan. Do vậy, xuất phát từ dự báo, quy hoạch để thiết kế một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng. Không thể đơn thuần “mô phỏng” được”, Bộ trưởng cho biết.
Về lâu dài, cần đánh giá lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Trước hết phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu thời tiết, xây dựng hệ thống huyết mạch trong việc thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ.
Trong thiết kế phải tính toán được độ cao của các khu vực và khi thiết kế hệ thống thoát nước ngầm của đô thị, cần có tầm nhìn để khu vực đó tự nhiên thoát được nước. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc thiết bị để thoát nước.
Trong trường hợp thời tiết cực đoan hơn nữa thì phải có phương án xây dựng hệ thống để trữ nước. Đó có thể là khu vực không gian mở như sân vận động, cánh đồng…, có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào những nơi này, biến thành nơi chứa nước tạm thời, tránh ngập cho những nơi xung yếu.
Ngoài ra cũng phải tính toán hệ thống để trữ nước, dẫn chứng ở Nhật Bản, ông Hà cho biết, tại "đất nước mặt trời mọc" có khu vực được bố trí những đường ngầm (còn gọi là hầm chứa lớn) vừa giữ lượng nước khi hạn hán có thể sử dụng, trong thời điểm mưa lớn những hầm chứa này trở thành nơi chứa nước. Trong trường hợp ngập lụt ở nơi xung yếu thì họ chỉ cần điều chỉnh hệ thống là những sân vận động, cánh đồng trở thành nơi chứa nước.
Như vậy, cần một dự án có cách tiếp cận tổng thể, xuất phát từ công tác dự báo, quy hoạch để xây dựng một hệ thống hạ tầng thích ứng và phù hợp, thêm vào đó là sử dụng các giải pháp mang tính chủ động cho từng khu vực để khi có điều kiện thời tiết bất thường cũng không bị ngập lụt hay tác động vào những nơi xung yếu gây thiệt hại về tài sản cho con người.
34 tuyến phố sẽ ngập nước nếu tiếp tục mưa lớn
Căn cứ vào dự báo từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, những tuyến phố trên địa bàn TP.Hà Nội có nguy cơ ngập sâu 80 cm trong những ngày tới bao gồm:
- Khu vực Ba Đình: Trấn Vũ, Đội Cấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát.
- Khu vực Tây Hồ: Trích Sài, Âu Cơ, Thụy Khuê.
- Khu vực Hoàn Kiếm: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Nguyễn Hữu Huân, Đường Thành.
- Khu vực Đống Đa: Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh.
- Khu vực Hai Bà Trưng: Minh Khai, Thanh Đàm, Vân Hồ.
- Khu vực Cầu Giấy: Hoa Bằng, Yên Hòa, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Dương Đình Nghệ, Hoàng Quốc Việt.
- Khu vực Bắc Từ Liêm: Đường Phạm Văn Đồng, ga Nhổn.
- Khu vực Nam Từ Liêm: Hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long.
- Khu vực Long Biên: Đường Nguyễn Văn Linh, Cầu Chui - Gia Thụy.
- Khu vực Hoàng Mai: Nguyễn Xiển, Trương Định, Lĩnh Nam, Tân Mai, Linh Đàm.
Lan Anh