Hà Nội không ra quy định gây khó khăn cho người về quê ăn Tết
Theo Chỉ thị số 13, Chủ tịch thành phố yêu cầu không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Chủ tịch thành phố yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, hiệu quả, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch thành phố yêu cầu không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra...
Chủ động thực hiện phương án, kịch bản cấp độ cao; phân công lực lượng, tổ chức diễn tập, ứng trực, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh theo nguyên tắc “4 tại chỗ,” không để bị động, bất ngờ.
Cũng tại Chỉ thị này, thành phố yêu cầu người dân, tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K; khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.
Cùng đó, Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.”
Đối với những địa bàn rà soát cần tăng cường, bổ sung lực lượng y tế, khẩn trương báo cáo về Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thành phố) kịp thời tham mưu, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố để xem xét, chỉ đạo.
Thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát, thống kê, lập phương án các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng, người từ chối tiêm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động, thực hiện chiến dịch cao điểm tiêm chủng xuyên Tết Nguyên đán từ ngày 1/2 đến ngày 28/2; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng dịp Tết Nguyên đán đồng thời tiếp tục rà soát người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà.
“Rà soát tiêm đủ liều vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để không bỏ sót, chuẩn bị cho học sinh đến trường an toàn; phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi 3, mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý 1/2022," Chỉ thị nêu rõ.
Các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu căn cứ tình hình dịch tại địa phương và số lượng học sinh được tiêm vaccine để chủ động xem xét, quyết định cho học sinh đã tiêm đủ 2 mũi được đi học trực tiếp và chủ động thông báo trước cho phụ huynh, học sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất...
Chủ tịch thành phố giao Sở Y tế tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó với biến chủng mới Omicron theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thuốc ứng trực 24/24 giờ; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị (nhất là máy thở, ôxy y tế) để tổ chức điều trị người bệnh Covid-19… các cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao được giao nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương dừng tổ chức các loại hình lễ hội, các hoạt động tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sở này sẽ phối hợp Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
“Chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm, các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan triển khai công tác tổ chức trận đấu vòng loại FIFA World Cup ngày 1/2 đảm bảo an ninh, an toàn, tuân thủ nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định,” Chỉ thị nêu rõ.
Lãnh đạo thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tổ chức phương án diễn tập các tình huống phòng, chống dịch tại trường học trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sở Giáo dục và Đào tạo phải tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố lộ trình, phương án để học sinh trở lại trường học trực tiếp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và cán bộ, giáo viên.
Cần thống nhất điều kiện "về quê ăn Tết"
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận xét: "Việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng ngừa. Chúng ta cũng không sợ tình trạng dịch lan truyền từ tỉnh này sang tỉnh kia bởi giờ tỉnh nào cũng có dịch".
Ông Hùng cho rằng điều cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa, giúp người dân được về quê đón Tết an toàn, thay vì tạo thêm khó dễ và gây tâm lý kỳ thị người ở xa về địa phương.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng các địa phương không nên "khoá cửa nhà" hay "làm khó" người dân về quê ăn Tết. Vừa qua, Chính phủ đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.
Theo ông Phu, khi chuyển sang "thích ứng an toàn" nghĩa là chuyển sang kiểm soát rủi ro thay vì "ngăn sông cấm chợ". Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn, thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi mỗi kiểu, "cát cứ" như trước đây.
Ông Phu cho biết, Bộ Y tế cũng không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở…
Hà Lan