Hà Nội công khai bảng giá 100 mặt hàng thiết yếu mùa dịch
Để thuận tiện cho người dân mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Tài chính Hà Nội vừa thực hiện công khai giá khoảng 100 mặt hàng, bao gồm gạo, thịt, trứng, mì tôm, gia vị, đồ hộp…
Cụ thể, Sở Tài chính Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5479/STC-QLG về công khai thông tin giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với 7 nhóm hàng thiết yếu bao gồm: nhóm lương thực, nhóm thực phẩm, nhóm rau củ, nhóm mỳ tôm, nhóm gia vị, nhóm đồ hộp, nhóm bánh… với tổng số gần 100 mặt hàng.
Sở Tài chính cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông thông tin về giá đối với các mặt hàng thiết yếu trong danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo.
Cụ thể, đối với nhóm lương thực, các loại gạo được bán với giá khác nhau. Gạo Hải Hậu 115.600 đồng/túi 5kg, gạo Thái đỏ 120.900 đồng/túi 5kg, gạo nếp 27.500 đồng/túi 1kg, gạo Hương thơm Thái Dương 92.900 đồng/túi 5kg, gạo thơm ST25 Ruby Aan 195.000 đồng/túi 5kg,...
Trong khi đó, giá các mặt hàng nhóm thực phẩm bao gồm thịt, trứng thì thịt nạc thăn heo Meat Deli giá 67.960 đồng/hộp 400gr, thịt đùi heo Meat Deli giá 63.960 đồng/hộp 400gr, thịt gà công nghiệp làm sẵn giá 50.000 đồng/1kg, thịt bò thăn giá 250.000 đồng/hộp 1kg, trứng gà đỏ giá 4.200 đồng/quả.
Nhóm rau củ dao động từ 8.650 - 11.500 đồng/500gr;
Nhóm mì tôm với các loại phở, miến ăn sẵn, thấp nhất là mì Reeva giá 3.000 đồng/gói, giá cao nhất thuộc về miến Phú hương gí 9.100 đồng/gói. Mì tôm Hảo Hảo giá 3.400 đồng/gói.
Nhóm gia vị, dầu ăn Simply giá cao nhất 266.000 đồng/chai 5 lít, thấp nhất là bột canh Hải Châu 150 gram giá 4.500 đồng/gói.
Giá bán niêm yết được tham khảo tại một số công ty, siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: Hapro, Vinmart, Big C, AEON, Coopmart… trên địa bàn Thành phố.
Danh mục giá các mặt hàng thiết yếu cụ thể như sau:
Trước đó, ngày 26/8, Sở Công Thương Hà Nội có Văn bản 3772/SCT-QLTM công khai danh sách các đơn vị, điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn có triển khai hình thức bán hàng trực tuyến.
Theo đó, có 600 điểm bán hàng hóa thiết yếu gồm: 565 điểm bán hàng đặt tại các quận, huyện của thành phố; 35 siêu thị, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Ngoài hình thức mua sắm trực tiếp, Hà Nội cũng khuyến khích người dân mua sắm thông qua các hình thức trực tuyến để đảm bảo nguyên tắc giãn cách trong thời gian tăng cường chống dịch Covid-19 theo chỉ thị 16.
Nguyễn Luận