Thứ bảy, 23/11/2024 10:19 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/05/2021 13:40 (GMT+7)

Hà Nội chỉ đạo 'nóng' vụ doanh nghiệp 'om' 40 tỉ đồng quỹ bảo trì và sổ hồng

Theo dõi KTMT trên

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản số 3957 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn giải quyết kiến nghị của cư dân chung cư Hòa Bình Green City do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Doanh nghiệp “nhờn Luật”, kiến nghị nhiều lần không xử lý dứt điểm

Theo đó, cư dân chung cư Hòa Bình Green City (số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) phản ánh, trong thời gian qua, mặc dù Ban quản trị tòa nhà chung cư đã nhiều lần phản ánh, yêu cầu nhưng đến nay chủ đầu tư là Công ty TNHH Hòa Bình vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì (khoảng 40 tỉ đồng) cho Ban quản trị tòa nhà.

Đồng thời, 972 căn hộ tại đây cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ hồng) do chủ đầu tư chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, dự án còn nợ hơn 336 tỉ đồng tiền sử dụng đất, trong đó, số tiền còn phải nộp gần 194 tỉ đồng và số tiền chậm nộp còn phải nộp là hơn 142 tỉ đồng.

Để giải quyết kiến nghị của cư dân dự án, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế TP, UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, quy định.

Hà Nội chỉ đạo 'nóng' vụ doanh nghiệp 'om' 40 tỉ đồng quỹ bảo trì và sổ hồng - Ảnh 1
Chung cư Hòa Bình Green City (số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội). 

"Đề xuất báo cáo UBND TP.Hà Nội xem xét giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền. UBND quận Hai Bà Trưng thường xuyên theo dõi, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn", văn bản số 3957 truyền đạt.

Trước đó, ngày 27/3/2020, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1270 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty TNHH Hòa Bình do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị. Theo đó, chủ đầu tư của chung cư Hòa Bình Green City bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng.

Từ đây, Sở Xây dựng đã có văn bản về việc uỷ quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì nhà chung cư toà B Hoà Bình Green City. Tuy nhiên, ngày 14/3/2021, cư dân Hòa Bình Green City vẫn “rồng rắn” xuống đường căn băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng, "tố" chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì của cư dân…

Được biết, đây không phải lần đầu tiên cư dân chung cư này phải xuống đường đòi quyền lợi. Suốt từ năm 2018 cho đến nay, việc căng băng rôn đòi sổ đỏ, quỹ bảo trì thường xuyên diễn ra. Đồng thời, cư dân cũng gửi đơn kêu cứu, kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng. Mặc dù UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần họp, đôn đốc chủ đầu tư nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Hà Nội chỉ đạo 'nóng' vụ doanh nghiệp 'om' 40 tỉ đồng quỹ bảo trì và sổ hồng - Ảnh 2
Ảnh chụp cư dân Hòa Bình Green City căng băng rôn đòi sổ đỏ, quỹ bảo trì ngày 14/3/2021. 

Trên thực tế, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014 đã quy định rất rõ về việc khi dự án đi vào vận hành thì chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị và bàn giao quỹ bảo trì (2%). Đồng thời, quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho cư dân, tuy nhiên việc chấp hành quy định trên thực tế vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. 

Khoản 7 Điều 26 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại đối với việc cấp sổ hồng như sau:

Điều 26. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại

  1. Trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua, người thuê mua nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nhà ở theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Luật này.”

Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco cho biết, việc bàn giao quỹ bảo trì là nghĩa vụ của chủ đầu tư và chủ đầu tư không có quyền từ chối. Có nhiều nguyên nhân khiến chủ đầu tư chậm trễ, trây ì làm tròn nghĩa vụ, tuy nhiên phần lớn đều liên quan đến lợi ích hấp dẫn từ số tiền không nhỏ 2%, có tình trạng nhiều chủ đầu tư "mượn" số tiền này dùng vào việc khác, có dấu hiệu chiếm dụng.

"Trong trường hợp chủ đầu tư cố tình không bàn giao hoặc bàn giao quỹ bảo trì không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng, tình huống này cư dân có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có chung cư thực hiện việc cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao”, Luật sư Phong nói.

Để giải quyết các tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì, Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Bộ Xây dựng thực hiện biện pháp cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì; Phối hợp Bộ Công an để thực hiện công tác cấp con dấu cho ban quản trị; Quy định rõ chủ tài khoản của ban quản trị chung cư phải có từ 2 người trở lên đồng làm chủ tài khoản để tránh trường hợp lạm quyền, trục lợi. Phải có biện pháp yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành chung cư chứng minh năng lực tài chính vì có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường dân sự khi xảy ra các sự cố như cháy lớn, tai nạn...

Xuất phát từ những những tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì chung cư, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Trong đó nêu rõ, trong 10 ngày, chủ đầu tư không bàn giao 2% quỹ bảo trì, UBND cấp tỉnh/thành phố sẽ có căn cứ cưỡng chế chủ đầu tư chuyển tiền cho ban quản trị toà nhà.

Dự án “dát vàng” nhưng nợ tiền sử dụng đất

Theo tìm hiểu, dự án “Khu dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ kết hợp chung cư cao tầng – Hòa Bình Green City” được quảng bá là chung cư cao cấp với chất lượng 6 sao, 2 tòa nhà cao 27 tầng dát vàng của dự án lần lượt được bàn giao cho khách hàng vào năm 2015, 2016. Liên danh Công ty Cổ phần Nông sản Agrexim và Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư dự án trên.

Hơn 6 năm kể từ khi bàn giao nhà cho khách hàng, đến nay 972 căn hộ tại đây cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ (sổ hồng) do chủ đầu tư chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Dự án còn nợ hơn 336 tỉ đồng tiền sử dụng đất, trong đó, số tiền còn phải nộp gần 194 tỉ đồng và số tiền chậm nộp còn phải nộp là hơn 142 tỉ đồng.

Hà Nội chỉ đạo 'nóng' vụ doanh nghiệp 'om' 40 tỉ đồng quỹ bảo trì và sổ hồng - Ảnh 3
Dự án còn nợ hơn 336 tỉ đồng tiền sử dụng đất. 

Được biết, Công ty TNHH Hoà Bình ra đời từ rất sớm vào năm 1993 với số vốn góp chủ sở hữu lên đến 415 tỉ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu được nâng lên mức 953 tỉ đồng. Công ty do ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi là Đường bia) nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc và chiếm giữ tới 84,5% vốn.

Ông Đường một trong những đại gia nổi tiếng nhất Việt Nam với nhiều dự án dát vàng. Hiện nay, ngoài dự án chung cư dát vàng Hòa Bình Green City, ông Đường bia còn là chủ của khách sạn dát vàng Hà Nội Golden Lake (B7 Giảng Võ, Hà Nội), hay Hội An Golden Sea (bãi biển An Bàng, Hội An, Quảng Nam).

Việc Công ty TNHH Hoà Bình nợ tiền sử dụng đất tại dự án Hòa Bình Green City được giới đầu tư đồn đoán nguyên nhân xuất phát từ tình hình làm ăn thua lỗ của Tập đoàn Hòa Bình do ông Nguyễn Hữu Đường làm Chủ tịch HĐQT cùng tình hình tài chính khó khăn của các công ty con, công ty thành viên.

Cuối năm 2019, mặc dù vốn chủ sở hữu Công ty TNHH Hoà Bình đạt 953 tỉ đồng nhưng tổng tài sản (nguồn vốn) lên đến 9.072 tỉ đồng. Nghĩa là nợ phải trả của công ty là con số cao ngất ngưởng 8.119 tỉ đồng, cao gấp 8,5 lần vốn.

Việc lọt vào danh sách chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì và chậm cấp sổ hồng có lẽ đã chấm dứt con đường làm bất động sản trên địa bàn Thủ đô của Công ty TNHH Hoà Bình, bởi thời điểm công khai danh sách các chủ đầu tư cố tình vi phạm và không tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, Sở Xây dựng Hà Nội đã nêu rõ “kiên quyết không giao các dự án đầu tư đối với các chủ đầu tư nằm trong danh sách cố tình vi phạm”.

Theo Nghị định 30/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh trong 10 ngày từ khi nhận được yêu cầu của Ban quản trị chung cư sẽ làm việc luôn với ngân hàng nơi chủ đầu tư mở tài khoản gửi phí bảo trì chung cư. Ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản, số tiền bảo trì trong 7 ngày. Trong 5 ngày sau khi nhận quyết định cưỡng chế từ chính quyền, ngân hàng phải chuyển tiền sang tài khoản của Ban quản trị.

Nếu tài khoản quỹ bảo trì không còn tiền, hoặc tiền không đủ, trong 5 ngày từ sau khi có quyết định cưỡng chế, ngân hàng sẽ cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh và số tiền hiện dư của chủ đầu tư để cơ quan chức năng yêu cầu cưỡng chế.

Nếu chủ đầu tư không còn tiền bàn giao quỹ, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, kê biên tài sản bán đấu giá để bù vào. Phần giá trị chênh lệch từ tài sản đấu giá so với quỹ bảo trì và chi phí đấu giá, nếu có, sẽ được trả lại cho chủ đầu tư trong 1 tháng kể từ khi thực hiện hoạt động này.

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội chỉ đạo 'nóng' vụ doanh nghiệp 'om' 40 tỉ đồng quỹ bảo trì và sổ hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới