Hà Nội: Bộ Xây dựng sẽ thanh tra việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
Sở Xây dựng TP.Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp thuộc diện phải dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2021.
Thu thập thông tin, tài liệu quan trọng
Thanh tra Bộ Xây dựng trước đó đã gửi yêu cầu thống kê danh mục các dự án đầu tư xây dựng theo chuyên đề và đề nghị cử người tham gia Đoàn thanh tra. Đây là những bước thu thập thông tin, tài liệu quan trọng để tiến hành thanh tra theo quy định.
Trên cơ sở tổng hợp số liệu chưa đầy đủ, Sở Xây dựng TP.Hà Nội đã gửi trước danh sách 23 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mai, khu đô thị thuộc diện phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Và sẽ tiếp tục cung cấp danh mục sau khi tổng hợp đầy đủ từ các đơn vị, quận huyện có liên quan.
Trong danh sách trên, đáng chú ý, có 7 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu nhà ở với quy mô sử dụng đất của dự án, bao gồm:
Khu tái định cư Đông Hội, Đông Anh (17.420 ha); Nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì (18.675 ha); Khu nhà ở và công trình hỗn hợp tại ngõ 622 Minh Khai (22.665 ha); Khu nhà ở Tây Mỗ (27.043 ha); Nhóm nhà ở Đông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài (9,17 ha); Khu nhà ở Minh Đức, tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (173.563 ha); Khu nhà ở tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (85.747 ha).
Còn có 16 dự án khu đô thị với quy mô sử dụng diện tích đất lớn cũng thuộc diện phải báo cáo, cụ thể: Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 (The Manor Central Park) do Công ty Cổ phần Bitexco làm chủ đầu tư; Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai do Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi làm chủ đầu tư; Khu đô thị mới CEO Mê Linh do Công ty TNHH Quốc tế là chủ đầu tư; Khu đô thị mới Đại Kim, quận Hoàng Mai do Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội là chủ đầu tư; Khu chức năng đô thị Thịnh Liệt tại quận Hoàng Mai; Khu đô thị Gia Lâm.
Chuyên đề thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp là nội dung quan trọng của Kế hoạch thanh tra năm 2022 (đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 1258/QĐ-BXD ngày 19/11/2021), Thanh tra Bộ Xây dựng cho hay.
Nhiều nội dung quan trọng được rà soát
Thanh tra Bộ trong tháng 02/2022, đã công bố quyết định 2 Đoàn thanh tra chuyên đề về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại tỉnh Bắc Giang và Bh Dương. Và trong quý II/2022, sẽ tiếp tục triển khai khảo sát và công bố quyết định các đoàn thanh tra chuyên đề như trên tại một số địa phương.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: Đối với TP.Hà Nội, chuyên đề thanh tra sẽ được rà soát trong giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021. Đoàn thanh tra sẽ tập trung vào đến các nội dung liên quan đến việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, bám sát đề cương thanh tra được duyệt, gồm một số nội dung như:
Về lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện Chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm, 5 năm trên địa bàn thành phố. Về lập, thẩm định và phê duyệt (kể cả việc điều chỉnh, bổ sung) các đồ án: Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp của địa phương, trong đó có dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, sẽ rà soát các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Về trình tự, thủ tục thực hiện lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội; Về cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và các văn bản hướng dẫn để xác định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư.
Vấn đề kiểm tra về nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Về các quy định cụ thể đối với cơ chế khuyến khích, ưu đãi thêm của địa phương để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Về các quy chế quản lý việc sử dụng, khai thác vận hành quỹ nhà ở xã hội.
Các quy định do thành phố ban hành về việc nộp tiền hoặc chuyển giao diện tích nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất phải dành để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp.
Bộ Xây dựng có thể đánh giá tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa sử dụng của TP.Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung qua thanh tra chuyên đề lần này, từ đó hoạch định các chính sách phù hợp với thực tiễn.
Cùng với đó, chấn chỉnh hoạt động của những doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng với chủ trương của Nhà nước đã đề ra.
Bùi Hằng (T/h)