Thứ năm, 19/09/2024 08:04 (GMT+7)
Chủ nhật, 28/07/2024 08:55 (GMT+7)

Hà Nam: Nhiều bến bãi chây ì không chấp hành "lệnh" giải tỏa vi phạm (Bài 3)

Theo dõi KTMT trên

Bất chấp yêu cầu phải dừng hoạt động, thanh thải toàn bộ trang thiết bị và vật liệu do vi phạm về hành lang bảo vệ đê điều, nhiều bến bãi không phép trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn chây ì không chấp hành.

Theo thông tin mà Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh trong các bài viết trước, tỉnh Hà Nam có nhiều bến bãi vật liệu xây dựng, nhà xưởng, trạm trộn bê tông hoạt động không phép trong mùa mưa lũ. Thực trạng này ảnh hưởng đến môi trường và hành lang đê điều, đe dọa khả năng phòng chống thiên tai trước những diễn biến cực đoan của thời tiết, đặc biệt là cao điểm mùa mưa lũ.

Phần lớn các bến bãi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh này chưa được cấp giấy phép. Cụ thể theo số liệu từ Chi cục thủy lợi tỉnh Hà Nam, tại huyện Lý Nhân có 15 bãi kinh doanh than, cát, sỏi nhưng chỉ 3 bến bãi có phép; còn lại 11 bến bãi chưa được cấp phép. Bến bãi vật liệu xây dựng không phép chủ yếu nằm ở địa bàn các xã Nguyên Lý, Đạo Lý, Chân Lý và Ngũ Phúc. Trong đó, có những bến bãi quy mô lớn lên tới hàng nghìn mét vuông vẫn chưa được giải tỏa, di dời trang thiết bị và thanh thải vật liệu.

Hà Nam: Nhiều bến bãi chây ì không chấp hành "lệnh" giải tỏa vi phạm (Bài 3) - Ảnh 1
Trạm trộn của Công ty TNHH Bê tông Tuấn Hùng vẫn hoạt động bất chấp lệnh phải di dời.

Tại TP.Phủ Lý có 5 bến bãi đang hoạt động. Trong đó, bãi cát của Công ty TNHH Bê tông Tuấn Hùng ở xã Kim Bình đã hết hợp đồng thuê đất. Nhưng theo phóng viên ghi nhận thực tế ngày 19/6/2024, hoạt động sản xuất bê tông tại đây vẫn diễn ra bình thường, vi phạm về khoảng cách an toàn đê. Công ty vẫn chây ì hoạt động bất chấp "lệnh" phải di dời.

Trong số 10 dự án, bến bãi vật liệu xây dựng đang hoạt động tại địa bàn thị xã Duy Tiên, đáng chú ý là bến bãi của Công ty TNHH Bê tông Hoàng Hà (thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại) diện tích 5.000m2 và bến bãi của Công ty TNHH Sơn Hà (thôn Yên Lệnh, xã Chuyên Ngoại) diện tích 3.000m2. Hai bến bãi này hoạt động không phép, thuộc diện phải dừng hoạt động và giải tỏa.

Để đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, vào ngày 24/6/2024, UBND thị xã Duy Tiên đã tổ chức hội nghị họp về việc giải tỏa bến bãi vi phạm. Tiếp đến ngày 3/7/2024, UBND xã Chuyên Ngoại cũng mở hội nghị triệu tập các chủ bến bãi vi phạm trên địa bàn, yêu cầu thực hiện tự thanh thải máy móc, vật liệu trên bãi trong thời hạn đến hết ngày 10/7/2024. Quá thời gian trên, xã sẽ tổ chức cưỡng chế giải tỏa.

Hà Nam: Nhiều bến bãi chây ì không chấp hành "lệnh" giải tỏa vi phạm (Bài 3) - Ảnh 2
Bãi sản xuất cấu kiện bê tông của Công ty TNHH Bê tông Hoàng Hà ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Tuy nhiên, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ghi nhận thực tế ngày 17/07/2024 (quá 7 ngày so với thời hạn giải tỏa mà xã đã yêu cầu), bến bãi của 2 công ty kể trên vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp “lệnh” cấm của chính quyền địa phương.

Ngay sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại. Tại buổi làm việc, phóng viên đặt câu hỏi về việc đã quá ngày xử lý giải tỏa bến bãi vi phạm, xã có văn bản yêu cầu các đơn vị kể trên nghiêm túc thực hiện việc tự thanh thải máy móc, vật liệu hay không? Ông Phạm Việt Hùng cho biết: Xã đã nhắc nhở bằng miệng yêu cầu các đơn vị tự thực hiện việc thanh thải vật liệu xây dựng nói trên theo thông báo kết luận của thị xã Duy Tiên và UBND xã. Về việc thành lập đoàn tổ chức cưỡng chế giải tỏa, xã cần có thời gian để trình các cấp duyệt thành phần tham gia ban cưỡng chế, sau đó mới có thông báo cụ thể.

Hà Nam: Nhiều bến bãi chây ì không chấp hành "lệnh" giải tỏa vi phạm (Bài 3) - Ảnh 3
Khu vực sản xuất cấu kiện bê tông của Công ty TNHH Bê tông Hoàng Hà (ảnh chụp từ trên cầu Yên Lệnh nhìn xuống).

Khi phóng viên đề nghị xã cung cấp nội dung thông báo kết luận ngày 24/6, biên bản hội nghị triệu tập người đại diện của các bến bãi vi phạm kể trên, ông Hùng nói rằng cán bộ văn thư đang đi vắng, sẽ cung cấp cho phóng viên sau. Tuy nhiên, đến ngày 25/7 (sau 7 ngày làm việc), phía xã Chuyên Ngoại vẫn chưa cung cấp cho phóng viên nội dung này.

Về phía UBND thị xã Duy Tiên, vào ngày 24/6, thị xã đã tổ chức hội nghị xử lý tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến công trình thủy lợi và hành lang an toàn đê điều trên địa bàn. Ông Nguyễn Quý Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã chủ trì hội nghị. Hội nghị đã thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND thị xã cũng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các xã, phường để kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm; đồng thời cần quyết liệt trong việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và nộp phạt để răn đe, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo quyết liệt là vậy, nhưng thực tế 2 trường hợp bến bãi vi phạm điển hình trên địa bàn xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Hà Nam: Nhiều bến bãi chây ì không chấp hành "lệnh" giải tỏa vi phạm (Bài 3) - Ảnh 4
Cổng vào Công ty TNHH Bê tông Hoàng Hà.

Đối với việc chậm trễ giải quyết các vi phạm về đê điều tại địa bàn thị xã Duy Tiên, nhất là trong cao điểm mùa mưa lũ 2024, kính đề nghị UBND tỉnh Hà Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cấp, các ngành có liên quan sớm vào cuộc rà soát, kiểm tra. Đối với những trường hợp vi phạm cần xử lý ngay và xử lý dứt điểm, trả lại hành lang an toàn đê điều theo đúng quy định của Luật Đê điều.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Khoa học (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) cho biết: "Hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… 

Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn… 

Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý".

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Hà Nam: Nhiều bến bãi chây ì không chấp hành "lệnh" giải tỏa vi phạm (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Phục hồi rừng sau thiên tai
Phục hồi rừng sau bão số 3 là thiết yếu để ổn định đất đai và giảm thiểu nguy cơ sạt lở. Đây là bước quan trọng giúp tái thiết môi trường và bảo vệ cộng đồng.
Những kịch bản về đường đi của cơn bão mới
Đến 1h ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, trên khu vực Bắc Biển Đông. Tất cả các mô hình dự báo hiện tại của Việt Nam và Quốc tế đều thống nhất cường độ của cơn bão mới này sẽ không mạnh như siêu bão YAGI.

Tin mới