Thứ bảy, 20/04/2024 06:26 (GMT+7)
    Thứ năm, 13/05/2021 09:51 (GMT+7)

    Hà Giang lại kiến nghị Chính phủ cho đầu tư xây dựng sân bay

    Theo dõi KTMT trên

    UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải đưa sân bay tỉnh Hà Giang vào quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép đầu tư xây dựng.

    UBND tỉnh Hà Giang vừa có công văn số 1331 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị quy hoạch, đầu tư sân bay tỉnh Hà Giang.

    Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT đưa sân bay tỉnh Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho phép đầu tư xây dựng sân bay này.

    Theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, sân bay Hà Giang cần được quy hoạch là sân bay quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn Hàng không dân dụng, với tổng diện tích đất là khoảng 388,9 ha, trong đó đất bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng khoảng 70 ha.

    Hà Giang lại kiến nghị Chính phủ cho đầu tư xây dựng sân bay - Ảnh 1
    UBND tỉnh Hà Giang đề nghị quy hoạch, xây dựng sân bay tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, cách TP Hà Giang khoảng 40km về phía nam - (Ảnh: Chụp lại màn hình google maps)

    Trong trường hợp quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Hà Giang cho biết là sẽ xác định mốc giới, công bố quy hoạch và quản lý ranh giới, quy hoạch sân bay, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng sân bay theo quy hoạch được duyệt.

    UBND tỉnh Hà Giang khẳng định là đã chuẩn bị quỹ đất tại vị trí nêu trên và bố trí ngân sách tỉnh để thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng để dự án sớm được triển khai đầu tư xây dựng.

    Tại công văn gửi Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, với vị trí là tỉnh địa đầu tổ quốc, địa phương này có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh, với nhiệm vụ trọng yếu giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

    Đây là tỉnh có đường biên giới dài trên 277,5 km tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Hà Giang có nhiều lợi thế phát triển kinh tế như phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có múi, trồng rừng và phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu.

    Tuy nhiên, do vị trí địa lý và yếu tố địa hình, Hà Giang đến nay duy nhất chỉ có 1 loại hình vận tải là đường bộ; đồng thời chỉ có Quốc lộ 2 kết nối Hà Giang với thủ đô Hà Nội và các tỉnh; các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa chưa được đầu tư, đường cao tốc kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dụng.

    “Để khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương, hệ thống giao thông tỉnh Hà Giang cần có sự phát triển mang tính đột phá; cùng với hệ thống đường bộ kết nối với các cao tốc trong khu vực, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng sân bay tại Hà Giang là hết sức cần thiết; bảo đảm vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh.

    Từng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, nếu nhìn một cách toàn diện, hướng phát triển giao thông của Việt Nam chưa phù hợp khi cứ tập trung vào phát triển hàng không, đường bộ, còn đường sắt, đường thủy – hai loại hình giao thông rẻ nhất và Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế nhất, lại chưa được quan tâm đúng mức.

    “Các địa phương cứ đua nhau lao vào phát triển hàng không, thậm chí có những dự án sân bay cách nhau chỉ chừng 100 km. Điều đó rất vô lý!”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam bày tỏ.

    Ví dụ điển hình cho nhận xét của PGS Nam về những địa phương ở cạnh nhau đều muốn làm sân bay chính là: Hà Giang và Lào Cai. Hiện Lào Cai đang đề nghị làm sân bay Sa Pa với tổng số vốn 4.200 tỉ đồng, trong khi đó giáp Lào Cai, Hà Giang là Yên Bái đã có sân bay.

    Một “hàng xóm” khác của Hà Giang là Cao Bằng cũng muốn được xây dựng sân bay. Theo đề xuất của Cao Bằng, đây sẽ là sân bay nội địa dùng chung với quân sự, dự kiến cách thành phố 13 km về phía đông nam, phục vụ đi lại, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng biên giới phía Bắc.

    Ngày 20/4, Cục Hàng không đã có tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng thẩm định quy hoạch.

    Cục Hàng không đề xuất trong thời kỳ 2021-2030 giữ nguyên quy hoạch 28 sân bay của cả nước đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong giai đoạn này chỉ đầu tư xây dựng thêm 6 sân bay bên cạnh 22 sân bay đang khai thác.

    Giai đoạn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng (sân bay nội địa) vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 29. Đồng thời tiếp tục duy trì quy hoạch vị trí sân bay quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vị trí tại Tiên Lãng vào năm 2011 nhằm dự bị cho sân bay Nội Bài và Cát Bi.

    Tờ trình mới nhất về dự thảo quy hoạch của Cục Hàng không đã không đề cập tới các đề xuất bổ sung vào quy hoạch các sân bay Ninh Bình, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang… và việc xem xét vị trí cho sân bay thứ hai vùng thủ đô.

    Minh Phương

    Bạn đang đọc bài viết Hà Giang lại kiến nghị Chính phủ cho đầu tư xây dựng sân bay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới