Golf - môn thể thao lành mạnh và tác hại không ngờ tới môi trường
Luật chơi độc đáo, sử dụng kỹ năng tinh tế, quang cảnh trong lành... golf vẫn luôn mang hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ. Thế nhưng, bộ môn thể thao xa xỉ này lại tồn tại mặt trái trên góc nhìn về môi trường.
Là môn thể thao quý tộc có lịch sử phát triển lâu đời, ngày nay golf đã được ưa chuộng khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, tại châu Á thì có Nhật Bản và Hàn Quốc... Sở hữu quang cảnh rộng lớn với lớp cỏ xanh rờn tươi tốt và bầu không khí trong lành nên golf vẫn thường được tôn vinh như bộ môn thể thao lành mạnh và tinh tế nhất trên thế giới. Trên phương diện kinh tế, lợi ích của golf đem tới là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, dưới góc nhìn về môi trường, môn thể thao này lại vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến nó trở thành môn thể thao không có tính chất bền vững trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới một thế giới xanh.
Golf đem tới cơ hội và tiềm năng lớn
Ưu điểm nổi bật nhất trong các dự án đầu tư sân golf chính là lợi ích kinh tế. Môn thể thao xa hoa này có thể giúp cho kinh tế của vùng và quốc gia phát triển đáng kể. Các dự án sân golf có thể thu hút đầu tư và du lịch cho vùng. Thêm vào đó, cơ hội về công ăn việc làm của người dân trong khu vực cũng được mở rộng. Nắm bắt được tiềm năng này, hơn 38 nghìn sân golf đã ra đời trên khắp toàn cầu. Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều sân golf nhất với số lượng 16,7 nghìn sân, theo sau là Nhật Bản với hơn 3,1 nghìn sân và Canada với 2,6 nghìn sân. Học tập các quốc gia phát triển, Việt Nam giờ cũng đã sở hữu khoảng 80 sân golf. Với cảnh quan đẹp và chi phi phải chăng, Việt Nam giờ đây đã trở thành điểm đến ưa thích cho các golfer quốc tế, đặc biệt là du khách Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trước sự phát triển như vũ bão của các đô thị ngày nay, xây dựng sân golf cũng là một cách để bảo tồn những khu đất ban sơ, tránh sự xâm lấn của đô thị hóa. Nhờ có sân golf, các quốc gia vẫn giữ lại được vẻ đẹp của thiên nhiên. Ngày nay mỗi sân golf tiêu chuẩn 18 lỗ thường có thiết kế rộng từ 57 hecta trở lên. Với diện tích mênh mông như vậy, mỗi sân golf sẽ là một địa điểm bảo tồn thiên nhiên tràn ngập màu xanh và không khí trong lành.
Tùy theo vị trí địa lý mà mỗi sân golf sẽ có môi trường sống và các loài động vật hoang dã khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều được xây dựng trên một tiêu chí chung, đó là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Cũng nhờ có sự tồn tại của các sân golf mà nhiều loài động vật hoang dã như chim, sóc, hươu, nai... đã có nơi trú ngụ an toàn. Chúng có chỗ sinh sống, kiếm ăn và tránh được những kẻ thù săn mồi nguy hiểm. Ngoài động vật hoang dã, các sân golf ngày nay cũng đầu tư phát triển hệ thực vật đa dạng. Thảm thực vật ở sân golf không chỉ góp phần tạo tính thẩm mỹ cho cảnh quan mà còn là nguồn thức ăn dồi dào cho côn trùng, sâu bọ và một số loài động vật hoang dã. Nếu hợp tác với các tổ chức bảo tồn địa phương, sân golf có thể trở thành nhân tố chính trong quá trình bảo tồn đa dạng sinh học.
Các sân golf tác hại như thế nào tới môi trường?
Tưởng chừng như vô hại nhưng sân golf lại tiềm ẩn nhiều mối nguy cho môi trường. Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay chính là phá rừng. Bằng những cách luồn lách nào đó, các dự án sân golf đã phù phép những khu rừng trở thành sân golf xa xỉ, mặc dù điều này không được cho phép ở nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ. Việc mất đi mỗi cánh rừng cũng đồng nghĩa với một chiếc máy hút khí thải carbon bị phá hủy. Khí carbon ngày càng nhiều sẽ làm cho Trái đất nóng lên, gây ra biến đổi khí hậu, thiên tai cũng từ đó mà ra. Ngoài ra, phá rừng còn gây ra hiện tượng sói mòn, lũ quét và sạt lở. Động vật hoang dã không còn nơi trú ngụ và bị đẩy vào bờ tuyệt chủng.
Tất nhiên, không phải sân golf nào cũng được xây dựng trên đất rừng. Vẫn có những sân golf được xây dựng trên quỹ đất có phép. Nổi danh là môn thể thao dành cho giới thượng lưu nên trang thiết bị và cơ sở hạ tầng được đầu tư cho sân golf cũng rất tốn kém. Chỉ tính riêng nước tưới cho cỏ, mỗi sân golf rộng khoảng 60 hecta sẽ cần hơn 2 nghìn mét khối nước mỗi ngày. Trong khi đó, trung bình mỗi người trong chúng ta chỉ tiêu thụ hơn 10 mét khối nước cho cả tháng. Sự tốn kém này đã làm cho sân golf trở nên xấu hơn trong mắt những người yêu môi trường.
Để phủ kín màu xanh cho sân golf, nhà đầu tư đã trồng cỏ kín bề mặt. Cỏ luôn được chăm sóc cẩn thận để đảm bảo thuận tiện cho người chơi. Ở dưới lớp cỏ tươi tốt là vô số tồn dư của thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì thế, không khí và nguồn nước ở sân golf cũng bị ô nhiễm bởi những chất hóa học độc hại này.
Hãy hướng tới phát triển sân golf theo tiêu chí bền vững
Mặc dù mặt trái của sân golf là ảnh hưởng tới môi trường nhưng với lịch sử hơn 600 năm phát triển, lại đem tới nguồn lợi lớn về kinh tế, sân golf vẫn đang là mảng đầu tư có tiềm năng của các quốc gia. Vấn đề cần khắc phục chỉ là các vấn đề về môi trường đã nêu ở trên.
Trong thời đại kêu gọi phát triển bền vững, các sân golf nên xây dựng nền nông nghiệp bền vững với hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước và các thuốc bảo vệ thực phần thành phần sinh học, an toàn với môi trường. Chính quyền cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý môi trường để bắt buộc các sân golf phải tuân thủ theo.
Giờ đây, năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Với các sân golf rộng lớn đòi hỏi nhiều điện năng để duy trì hoạt động, sử dụng năng lượng tái tạo cũng là một phương án tiết kiệm chi phí lẫn phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.
Theo: Tổng hợp
Gia Tuệ