Giống lúa Nhật 'bén duyên' miền sơn cước
Nơi xa xôi với núi rừng bạt ngàn, những ruộng lúa bậc thang quanh năm thiếu nước, người dân xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang “truyền tai nhau” về một giống lúa Nhật Bản có sức sống mãnh liệt, “miễn nhiễm” với mọi loại sâu bệnh. Như để cảm ơn người đã dày công gieo giống lúa tốt trên vùng “đất khó”, người dân và chính quyền địa phương luôn có một tâm niệm phải “trồng thật tốt, làm thật sạch” theo định hướng bền vừng.
“Đất khó nở hoa”
Quên đi cảm giác lâng lâng, bồn chồn sau chuyến xe đường dài trên những cung đường “uốn lượn, quanh co”, không còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi quây tròn bên bếp lửa đỏ hồng, thoang thoảng mùi gỗ mới của ngôi nhà sàn khang trang, hương thơm nhẹ và khó cưỡng từ bát cơm nóng hổi… Đó là thứ cảm xúc được đong đầy tại bản Tân Sơn và cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn không thể nào “xóa khỏi trí nhớ”.
“Mấy khi các anh lên đây, chúng tôi không có gì để tiếp đãi ngoài cơm trắng, đĩa măng rừng và con gà “chạy bộ”. Mọi người đừng ngại, ăn thêm cơm đi, bởi vì dưới xuôi không có loại gạo Nhật Bản này đâu. Cảm ơn cán bộ Thi và các anh trên huyện, nhờ đó mà mọi người trong bản mới có giống lúa này để gieo, để cấy” - trước khi dùng bữa, bà con người Mường hồ hởi mời cơm chúng tôi như vậy.
Khi tôi hỏi bà con có vất vả khi trồng giống lúa Nhật Bản này không? Ai cũng cười tươi trả lời: Hơn nửa đời người gắn bó với cây lúa nước, gieo biết bao nhiêu cây mạ, nhưng chưa lúc nào nghề trồng lúa lại “khỏe” như lúc này. Đúng là hàng Nhật có khác, cây lúa có đặc điểm rất dai và cứng nên sâu bệnh hay cả chuột cũng không thể cắn phá. Hơn nữa, rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng sơn cước này, nên chúng tôi không mất nhiều công sức chăm sóc hay bón phân. Vì thế, người dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Đến đây, câu chuyện về giống lúa Nhật Bản bỗng dưng trở thành chủ đề chính trong bữa cơm mộc mạc của người dân bản địa. Sự tò mò về giống lúa kỳ lạ khiến chúng tôi quên đi vị men nồng, cay cay của rượu cần vùng cao. Lúc này, trong đầu chỉ biết quay cuồng với loạt câu hỏi, chẳng biết “từ đâu mà đến”, cây lúa Nhật Bản lại “lưu lạc” đến tận miền sơn cước Quan Sơn xa xôi, để rồi vươn mầm nảy nở mang cho bà con những bát cơm đầy, vơi đi những nỗi vất vả của người nông dân.
Xuyên suốt câu chuyện mà chúng tôi được nghe về giống lúa Nhật Bản, có lẽ cụm từ “cán bộ Thi” được bà con nhắc tới và cảm ơn nhiều nhất. Bởi theo họ, “cán bộ Thi” chính là người đã mang giống lúa này về với “đất khó” Quan Sơn, ông đến đây mang cùng hoài bão, khát khao và nhiệt huyết gửi gắm vào từng bàn tay, mảnh ruộng để bà con vùng cao có được cuộc sống đầy đủ, ấm no hơn.
Sau bữa cơm, theo chân người dân ra cánh đồng ruộng bát ngát, xanh mơn mởn, nhìn từ trên cao, hình ảnh của chúng tôi thật bé nhỏ giữa 23 hecta đất trồng lúa Nhật Bản, được bao bọc giữa rừng luồng bạt ngàn…
Từng lớp ruộng bậc thang uốn cong theo sườn đồi, trải dài dọc bờ sông Luồng yên bình, được canh tác bởi đôi bàn tay cần cù, chịu khó của đồng bào người Mường. Phải chăng câu tục ngữ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã được trọn vẹn?.
Tay bế con nhỏ, đi chậm rãi trên con đường đất nhỏ hẹp, nhìn về 2 sào lúa xanh mơn mởn vừa cấy, anh Vi Văn Tám, Trưởng bản Tân Sơn, xã Sơn Điện bày tỏ: Các anh thấy đấy, từ khi trồng lúa Nhật con mình không phải mặc áo rách, đi chân đất như trước đây nữa, giờ cháu cũng có hộp sữa để uống, cái bánh để ăn. Giá trị dinh dưỡng của gạo Nhật cao, nên bữa cơm các anh chỉ cần ăn một nửa so với gạo ta là no đủ. Hiện tại, gạo Nhật bà con đang bán có giá 28.000đ/kg (giá hơn gấp đôi gạo thường), vì vậy, gia đình có thêm thu nhập để tu sửa nhà cửa, lo cho con cái ăn học “đến nơi, đến chốn”.
Từ 750 m2 đến nay xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn đã phát triển mô hình giống lúa Nhật Bản trên 23 hecta. |
Niềm tin đặt đúng chỗ
Vụ mùa 2018, huyện Quan Sơn đã triển khai mô hình trồng giống lúa Nhật Bản tại xã Sơn Điện, với diện tích 750 m2. Ngay sau khi gieo trồng, giống lúa này đã thể hiện sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác nơi đây.
Ông Phạm Bá Chuyện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Quan Sơn chia sẻ: Quả thực, việc trồng và phát triển giống lúa Nhật Bản trên địa bàn xã Sơn Điện đã thu được nhiều thành quả. Thời gian gieo trồng ngắn chỉ từ 90 - 100 ngày, cộng với việc cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh… nên 23 hecta đất trồng lúa Nhật Bản không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.
Mặc dù có thời gian sinh trưởng ngắn, song năng suất lúa vẫn đạt mức hơn 2 tạ/sào. Hiện tại và tương lai, bà con và chính quyền địa phương luôn quan niệm phải “trồng thật tốt, trồng thật sạch” để đảm bảo cả về môi trường lẫn an toàn thực phẩm.
Khi được hỏi về người cán bộ Thi mà bà con thường nhắc, ông Chuyện hồ hởi đáp: À, đó là anh Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Anh ấy là người đã mày mò, tìm tòi rồi lặn lội hàng trăm cây số từ dưới xuôi để mang giống lúa Nhật Bản về với vùng “đất khó” Quan Sơn. Nhờ giống lúa tốt, nên rất nhiều đơn vị đã lên đây để xin giống về gieo trồng, nhưng chúng tôi không muốn chuyển giao vì đây là tâm huyết mà anh Thi và lãnh đạo huyện dành riêng cho Quan Sơn.
Có lẽ anh Thi đã phải nghiên cứu rất kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu và con người Quan Sơn, để từ đó, đặt trọn niềm tin ươm mầm giống lúa Nhật trên vùng đất này. Quả thật, niềm tin của anh Thi đã “không nhầm chỗ”. Ông Chuyện nói thêm.
Trao đổi với ông Lục Hải Vân, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho hay: Người đã mang giống lúa Nhật Bản về và cấp phát miễn phí cho người dân xã Sơn Điện đúng là anh Nguyễn Văn Thi. Không thể phủ nhận những hiệu quả kinh tế mà giống lúa này mang lại trong 2 năm qua, nhờ có nó mà đời sống bà con từ nay đã bớt vất vả, bữa cơm ấm no hơn.
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Thành ủy Sầm Sơn (nguyên Bí thư Huyện ủy Quan Sơn) đánh giá: Ban đầu huyện chỉ trồng thử nghiệm 2 kg giống lúa Nhật Bản trồng trên 750 m2 ruộng, sau thấy giống lúa này phát triển tốt, năng suất cao lại thân thiện với môi trường. Đến nay, bà con đã nhân rộng ra 23 hecta.
Năng suất, chất lượng và giá cả cao hơn mọi giống lúa khác, đời sống bà con các dân tộc được nâng lên rõ rệt. Nhìn vào kết quả đạt được của ngành nông nghiệp huyện Quan Sơn bây giờ, tôi nghĩ anh Thi đã và đang đạt được khát vọng giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà có nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần phát triển nền kinh tế xanh Thanh Hóa.
Dù không phải là nhà khoa học hay nhà nông học trên lĩnh vực nông nghiệp, nhưng anh Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa thường đau đáu nghĩ về nghề nông với mong muốn có nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao để phục vụ người dân trong tỉnh và xuất khẩu, mang lại thu nhập ổn định cho bà con, góp phần phát triển nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Nhân dịp lên Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo, anh đi qua xã Sơn Điện thấy cánh đồng bằng phẳng và rộng lớn được bao quanh bởi sông Luồng, khí hậu lại thuận lợi giống y hệt một địa phương bên Nhật Bản mà anh đã đi qua và xin được 7 kg lúa giống ở đó. Đặc biệt, xã Sơn Điện có nguồn nước sạch được ví như một loại phân bón hữu cơ, thúc đẩy sự sinh trưởng của cây lúa. Có được khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi anh đã cùng với anh Tiến (nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Quan Sơn - PV) lội xuống ruộng nhiều lần và trao đổi về kế hoạch trồng giống lúa Nhật Bản trên vùng đất này. Sau đó, anh đã chuyển giao lại 2 kg giống lúa Nhật Bản cho huyện Quan Sơn và thống nhất quan điểm là không sử dụng phân bón hữu cơ để canh tác. |
Tuyết Trang - Đức Duy