Giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa: Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu.
Tại lễ khởi động Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam diễn ra sáng 23/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam được triển khai thực hiện thành công, trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững. Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu."
Hành độngvì đại dương không rác thải nhựa
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, rác thải nhựa hiện được xem là “báo động đỏ” là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Phần lớn rác thải nhựa không qua xử lý, được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng; trong đó, ô nhiễm đại dương mà đặc biệt từ rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, sức khỏe cộng đồng, các ngành kinh tế, du lịch, y tế cộng đồng và xã hội.
“Đã đến lúc, chúng ta cần cùng nhau hành động quyết liệt, hiệu quả để thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa truyền thống theo hướng bền vững, thân thiện môi trường hơn,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết từ năm 2018, hưởng ứng chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon” do Liên Hợp Quốc phát động, Chính phủ đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa tại nhiều diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế như: Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018 và Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2019.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực.
Đặc biệt, mới đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới.
Với quyết tâm trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hy vọng sáng kiến Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam sẽ tập hợp, kết nối các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc quản lý, xử lý hiệu quả chất thải nhựa. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của ASEAN về bảo vệ môi trường đã được khẳng định trong Tuyên bố Băng-cốc về chống rác thải đại dương.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi và đề nghị các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tái chế nhựa, sản xuất nhựa theo công nghệ hiện đại.
Các đơn vị cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức về quản lý, sử dụng bền vững các sản phẩm nhựa.
“Đặc biệt cần sớm thiết lập một Trung tâm nghiên cứu quốc tế của khu vực nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho giảm thiểu chất thải nhựa. Hình thành các cơ chế hợp tác hiệu quả khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa vì mục tiêu đại dương không rác thải nhựa, Trái đất xanh không ô nhiễm nhựa,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Kết nối toàn cầu, đổi mới mô hình sản xuất
Khẳng định sự kết nối, hợp tác toàn cầu để đưa ra các giải pháp cộng đồng sẽ đem lại lợi ích cho Trái đất, ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết 2 năm qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam để đưa ra các giải pháp chấm dứt rác thải nhựa và phát triển bền vững. Thông qua đó, Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu hết sức tham vọng về giải quyết rác thải nhựa.
Tuy nhiên để thực hiện, cần thiết lập hệ thống mang tính thay đổi trong tư duy khác với bối cảnh thông thường. “Chỉ có hành động mới giúp Việt Nam đi theo đúng các tham vọng toàn cầu,” ông Borge Brende nhấn mạnh.
Bà Kristin Hughes, Giám đốc GPAP, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng cho rằng để chuyển những ý tưởng, sáng kiến thành hành động, cần sự chung tay để có những nỗ lực tập thể trong giải quyết rác thải nhựa. Sự hợp tác này sẽ góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Diễn đàn Kinh tế thế giới và Việt Nam - một mối quan hệ dựa trên mong muốn chung nhằm triển khai các mô hình tuần hoàn bền vững hơn, mang lại lợi ích cho hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của Việt Nam, bảo vệ sinh kế của người dân Việt Nam.
“Việt Nam đã chính thức trở thành một trong những quốc gia sớm áp dụng mô hình đặc thù về hợp tác đa chủ thể nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động về nhựa. Hy vọng với những bài học và thành công từ chương trình đối tác sẽ cung cấp thông tin và xúc tác cho các sáng kiến đầy tham vọng tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” bà Kristin Hughes chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa là một trong những nội dung hợp tác giữa Bộ với Diễn đàn Kinh tế thế giới và Việt Nam - là một trong 3 quốc gia tiên phong trên toàn cầu thực hiện sáng kiến chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa.
“Đây cũng là sự khởi đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững; tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường,” ông Hà nhấn mạnh.
Vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường cũng lưu ý những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi chính thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách.
Vì vậy, ông Hà khuyến nghị cộng đồng, người dân cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
“Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,” ông Hà chia sẻ.
Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Tài nguyên và Môi trường) với Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa - một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Sự kiện này một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của Việt Nam, với quan điểm: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Hùng Võ