Thứ bảy, 23/11/2024 03:39 (GMT+7)
Chủ nhật, 31/05/2020 07:00 (GMT+7)

Giảm hàng loạt thuế, phí: Thị trường ô tô có khởi sắc?

Theo dõi KTMT trên

Quyết định giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô và giảm 50% phí trước bạ với ô tô nội được kỳ vọng sẽ giúp “hồi sinh” thị trường ô tô đang ế ẩm, ảm đạm.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122 ngày 1/9/2016 và Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 16/11/2017.

Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô) được áp dụng từ ngày 10/7/2020 và với quy định của Nghị định 125/2017/NĐ-CP các doanh nghiệp phải cam kết đạt sản lượng nhất định mới được quyền hưởng các thuế suất thuế nhập linh kiện 0%. Đây là chính sách tác động rất lớn đến ngành ô tô trong nước cũng như là chi phí sản xuất, lắp ráp xe hơi Việt Nam để cạnh tranh với các xe nhập ngoại từ ASEAN.

Giảm hàng loạt thuế, phí: Thị trường ô tô có khởi sắc? - Ảnh 1
Việc giảm hàng loạt thuế, phí được kỳ vọng sẽ giúp “hồi sinh” thị trường ô tô đang ế ẩm, ảm đạm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19, trong đó, có giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô trong nước đến hết năm 2020.

Ngoài việc giảm phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng trong năm 2020, Chính phủ còn cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.

Như vậy, cùng lúc Chính phủ đã giảm 2 sắc thuế, phí ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất xe hơi và chi phí phải trả thêm cho người mua xe hơi trong nước, điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường xe Việt.

Hiện, Bộ Công Thương cũng đang đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét loại bỏ một số bất cập về thuế phí bất đối xứng cho xe hơi tại Việt Nam. Trong đó, đề nghị giảm, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt theo % tỉ lệ nội địa hoá xe hơi. Tức là bất kỳ xe ô tô sản xuất ở đâu nếu sử dụng linh phụ kiện sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ nội địa hoá tối thiểu sẽ được miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo các đại lý ô tô tại Hà Nội, khách hàng nếu có ý định mua xe thì nên tận dụng thời điểm này. Vì hiện tại, hầu hết các hãng xe và đại lý đang áp dụng các chương trình ưu đãi giảm giá hấp dẫn cộng thêm chính sách giảm phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước lên tới 50%. Khách hàng đang cũng được hưởng “ưu đãi kép” vì giá xe càng rẻ thì phí trước bạ đóng theo tỉ lệ % càng thấp.

Trước đó, hiện tượng cung vượt cầu diễn ra từ cuối năm 2019, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh số toàn thị trường ô tô ngày càng đi xuống, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc giảm thuế, phí kể trên, Chính phủ đã tạo cơ hội rất lớn cho ngành sản xuất xe hơi trong nước, gián tiếp giúp các doanh nghiệp xe giảm chi phí, giảm giá để cạnh tranh. Từ đó, kỳ vọng sẽ giúp “hồi sinh” thị trường ô tô đang ế ẩm, ảm đạm. Tuy nhiên, điều duy nhất người tiêu dùng và xã hội chờ đợi chính là liệu việc giảm chi phí này có giúp các doanh nghiệp xe giảm giá nhanh hay không và giảm bao nhiêu để phù hợp với chính sách ưu đãi, từ đó mở rộng thị trường xe.

PV

Bạn đang đọc bài viết Giảm hàng loạt thuế, phí: Thị trường ô tô có khởi sắc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới