Giám đốc Savills: Đừng quá kì vọng vào việc nối lại đường bay quốc tế
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua.
Việc tái bùng phát dịch COVID-19 ở Đà Nẵng trong tháng 7 khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường.
Tỉ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kì năm trước, trong đó TP.HCM ghi nhận công suất ở mức 14% và Hà Nội là 24%.
Ngoài ra, giá phòng trung bình khách sạn trong tháng 8 cũng giảm 10% so với cùng kì năm 2019, gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các chủ khách sạn.
Tuy nhiên, ông Mauro đánh giá nhu cầu du lịch nội địa đang dần phục hồi trở lại nhờ vào các biện pháp ứng phó đại dịch của chính phủ. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và 10 mặc dù đã bắt đầu vào mùa du lịch nội địa thấp điểm.
“Chúng tôi nhận định năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức. Việc quản lý và hoạch định ngân sách trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các chủ sở hữu cần kiểm soát chi phí một cách thận trọng nhưng vẫn phải đảm bảo kịp thời khôi phục hoạt động kinh doanh khi nhu cầu du lịch quay trở lại”, Giám đốc Savills Hotels lưu ý.
Vị giám đốc này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoạch định ngân sách theo nhiều kịch bản. “Việc giao tiếp, cập nhật dữ liệu thường xuyên giữa chủ sở hữu và đội ngũ quản lý là cực kỳ quan trọng vì đây là cơ sở cho việc dự toán 2021 một cách đúng đắn”, ông nói.
Theo ông, rất khó để dự đoán bức tranh ngành du lịch năm 2021 vì khả năng hồi phục của thị trường khách quốc tế vẫn là một câu hỏi lớn.
Do vậy, ông cho rằng chủ sở hữu vẫn nên duy trì sự tích cực với những kế hoạch dài hạn nhưng cần chú trọng trong việc kiểm soát dòng tiền trong thời gian tới và tập trung vào việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của thị trường nội địa. Các định chế tài chính cũng nên làm việc chặt chẽ với chủ sở hữu và nhà điều hành để đảm bảo dòng tiền hoạt động cho những tháng tiếp theo.
Theo ông Mauro khi đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, chủ đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế.
"Có thể sẽ có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình, sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại", ông nhận định.
Dù vậy, ông đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.
Dịch COVID-19 tái bùng phát đã khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn khiến ngành kinh doanh khách sạn rơi vào tình cảnh ảm đạm chưa từng có.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng 7. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kì năm trước.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước đạt 322.500 tỉ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kì năm trước.
Trong đó, nhiều trung tâm du lịch cũng ghi nhận số doanh thu giảm mạnh như Khánh Hòa giảm 59%; Quảng Nam giảm 53%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 42%; TP.HCM giảm gần 42%; Đà Nẵng giảm gần 32%; Hà Nội giảm gần 18%;...
Bên cạnh đó, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng cũng giảm mạnh hơn 54% so với cùng kì năm. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng giảm mạnh so với cùng kì năm trước như Khánh Hòa giảm 76%; TP.HCM giảm 72%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 67%; Quảng Nam giảm 66%; Kiên Giang giảm gần 65%; Đà Nẵng giảm gần 64%; Hà Nội giảm 42%;...
Nhật Hạ