Hé lộ chủ nhân giải thưởng VinFuture 3 triệu USD với công nghệ phát triển vaccine Covid-19
Tối ngày 20/1, Lễ trao Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture (gọi tắt là Giải thưởng VinFuture) được tổ chức tại Hà Nội, tìm ra các chủ nhân giải thưởng mùa đầu tiên.
Giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng với giải thưởng thường niên lên tới 4,5 triệu USD mang tên Quỹ VinFuture, được ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập.
Tối ngày 20/1, nhiều nhà khoa học tên tuổi trên thế giới đã cùng hội tụ về Hà Nội dự lễ trao Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture.
Tham dự Lễ trao giải thưởng có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành.
Phía Quỹ VinFuture với sự tham dự của GS Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng; hai nhà sáng lập: chủ tịch tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng cùng phu nhân, bà Phạm Thu Hương - Phó chủ tịch Tập đoàn VinGroup.
Đáng chú ý, bà Phạm Thu Hương - phu nhân Chủ tịch Phạm Nhật Vượng lần đầu xuất hiện trước truyền thông trong sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất.
Sự kiện thu hút tâm điểm của giới khoa học trên toàn cầu, với sự góp mặt của những sáng kiến, phát minh có tác động đến hàng triệu người, góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới của khoa học công nghệ thế giới.
Đồng thời tạo cơ hội kết nối, tạo mối quan hệ hợp tác trực tiếp, đa chiều giữa các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, 2 năm qua, trong thời khắc khó khăn của dịch bệnh, nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa phòng chống dịch Covid-19.
Vaccine được ví như lá chắn thép của nhân loại để qua dịch bệnh. Cả thế giới đã biết ơn,ngưỡng mộ các nhà khoa học thực hiện sứ mệnh của mình.
"Chúng ta có mặt ở đây an toàn, bình yên, cũng nhờ các nhà khoa học, nhờ vaccine", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sứ mệnh của giải VinFuture là cổ vũ, tôn vinh các nhà khoa học với các công trình nghiên cứu xuất sắc, với tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai.
"Tôi vui mừng khi mùa giải đầu tiên, giải đã ghi nhận sự tham gia từ 70 quốc gia, với 600 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án từ 2% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, hơn 1/3 ứng viên là nhà khoa học nữ, nhiều trong số đó đạt được nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới.
Đây là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín". Giải thưởng đưa truyền thống yêu chuộng hoà bình, nhân ái của Việt Nam được tỏa sáng, xây dựng đất nước, phát triển, lan tỏa giá trị tốt đẹp.
Giải đặc biệt đầu tiên dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới được trao cho Giáo sư Omar M.Yaghi - nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan. Công trình nghiên cứu của ông mang đến câu trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu liệu có thể đạt được gì. Nước có thể tạo ra từ không khí có thể tách CO2 từ không khí và từ đó tạo ra nhiên liệu đốt.
Với nghiên cứu "Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được ứng dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến", Giáo sư Zhenan Bao nhận giải thưởng đầu tiên dành cho phát minh mới.
Nhà khoa học người Mỹ gốc Trung quốc đã cùng các cộng sự phát triển da điện tử tự lành, siêu co giãn và có thể cảm nhận như da thật. Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao, có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành như da thật, đồng thời có cảm biến nhiệt độ, có cảm giác đau, cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường. Phát minh mở ra cơ hội cho hàng triệu người đc phục hồi chức năng hiệu quả.
Tiếp theo, giải thưởng nhà khoa học từ các nước đang phát triển được trao cho vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim (Nam Phi) - những nhà dịch tễ học với những đóng góp to lớn cho công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ HIV và nhiều bệnh truyền nhiễm khác, giúp giảm căn bệnh AIDS ở châu Phi và trên thế giới.
Đặc biệt, Giải thưởng chính của VinFuture lần đầu tiên trị giá 3 triệu USD, trao cho nghiên cứu mang tính đột phá, được chứng minh khả năng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mang lại môi trường bền vững.
Cuối cùng giải thưởng cao nhất được trao cho ba nhà khoa học: Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis với công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người".
Hàng tỷ người trên thế giới đã được thụ hưởng thành quả của nghiên cứu này, được bảo vệ an toàn và nền kinh tế của hàng loạt quốc gia nhờ đó không chìm sâu trong khủng hoảng.
Hai thành tố chính tạo nên vaccine MRNA là lõi mRNA biến đổi và vỏ bọc nano lipid hiệu quả để ổn định và tăng hoạt tính của mRNA.
Giải thưởng VinFuture được trao bởi quỹ VinFuture, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người.
Là người đứng đằng sau thành công của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, nhưng hầu như phu nhân Phạm Thu Hương chưa từng xuất hiện trước công chúng.
Bà đã đồng hành cùng chồng là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup từ những ngày đầu khởi nghiệp tại Ukraina.
Năm 2002, ông Vượng bắt đầu thực hiện đầu tư tại Việt Nam với mong muốn góp phần thay đổi diện mạo đất nước và mang tới cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Từ đó đến nay bà Hương là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Vingroup.
Bà Phạm Thu Hương thường xuyên có tên trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính đến ngày 17/9/2021, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đang sở hữu gần 170 triệu cổ phiếu VIC với tổng giá trị tài sản 14.921 tỷ đồng, xếp vị trí 11 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Lan Anh (T/h)