Giải pháp nhằm khơi thông cho xuất nhập khẩu phát triển
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu đạt gần 4 tỷ USD. Đây là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong 8 tháng qua và kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành hải quan.
Từ đầu năm, hải quan các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm khơi thông luồng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu đạt gần 4 tỷ USD. Đây là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong 8 tháng qua và kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành hải quan trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau đại dịch Covid-19.
Trong 8 tháng qua, ngành hải quan đã thực hiện thủ tục thông quan bằng phương thức điện tử cho gần 10 triệu tờ khai và thu ngân sách đạt gần 296.000 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này có được là nhờ ngay từ đầu năm, hải quan các địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm khơi thông luồng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; chủ động xây dựng các chương trình phần mềm để kết nối doanh nghiệp tạo ra một hệ sinh thái làm sao đó doanh nghiệp có thể tìm hiểu các thông tin của hải quan một cách công khai, minh bạch nhất".
Với nguồn cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu đủ nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất khiến xuất khẩu được duy trì tốt.
Ông Susumu Yoshida, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá: "Việc đẩy mạnh thông quan điện tử và thực hiện hài hòa hóa các quy định về thương mại quốc tế cũng như các cam kết thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do đã tạo thuận lợi rất nhiều cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản ổn định".
Ông Nguyễn Hải Minh, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết: "Giúp doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính và giảm chi phí thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Trong thời gian Covid-19, ngành hải quan đã phản ứng nhanh và kịp thời trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Để góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới con số kỷ lục mới 700 tỷ USD trong năm nay và các năm tiếp theo, sắp tới nhiều thủ tục thông quan sẽ được ngành hải quan đơn giản hơn nữa.
Ông Nguyễn Hải Minh, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết: "Cơ quan hải quan sẽ tiếp tục ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm tự động hóa, đơn giản hóa quy trình giám sát, kiểm soát. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới thay thế hệ thống công nghệ thông tin hiện hành".
Thời gian tới, ngành hải quan cũng sẽ cùng các bộ, ngành hoàn chỉnh nghị định về kiểm tra chuyên ngành, góp phần cải cách mạnh mẽ thủ tục hiện đang rất rườm rà này, qua đó giúp rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong cơ cấu các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, phần nhiều là sản xuất có tính thời vụ, phụ thuộc vào diễn biến thị trường trên thế giới. Do vậy, việc nắm bắt thông tin thị trường, đối tác, xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng, mạng lưới chuỗi cung ứng bền vững.
8 tháng qua đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây đều là những mặt hàng dần chiếm ưu thế ở những thị trường có FTA.
Huyền Diệu