Giải pháp nào để 'hồi sinh' sông Nhuệ - sông Đáy?
Sau 12 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, tình trạng ô nhiễm đã có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Mới đây, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy giai đoạn 2008 – 2020 và định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy giai đoạn tiếp theo.
Tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng
Theo đánh giá của Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, thời gian qua, chất lượng nước lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) tiến hành quan trắc tại 42 điểm trên lưu vực sông cho thấy, năm 2020, trên dòng chính sông Nhuệ, ô nhiễm cục bộ xuất hiện thường xuyên trên đoạn sông Nhuệ chảy qua khu vực nội thành Hà Nội (đoạn từ Phúc La đến điểm Cầu Chiếc). Kết quả quan trắc 5 đợt năm 2020, thông số có tỉ lệ giá trị vượt ngưỡng cao nhất là N-NH4, với 100% số điểm quan trắc vượt ngưỡng ở cả 5 đợt quan trắc, tiếp đó là thông số COD và BOD5 và có giá trị vượt ngưỡng tăng qua các đợt quan trắc.
46% các điểm quan trắc có giá trị WQI ở mức ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý trong tương lai; 46% các điểm có giá trị WQI ở mức xấu, nước sông chỉ dùng được cho mục đích giao thông thủy. Các điểm có giá trị WQI ở mức xấu và mức ô nhiễm tập trung trên đoạn sông Nhuệ chảy qua Hà Nội (từ điểm Phúc La đến điểm Cống Thần); trong đó các điểm Cầu Tó, Cự Đà luôn ở mức ô nhiễm. Đoạn sông chảy qua địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên cũng bị ô nhiễm nặng. Môi trường nước sông nội thành Hà Nội, đoạn sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét liên tục ở mức ô nhiễm trong cả 5 đợt quan trắc.
Đối với đoạn sông Đáy qua địa phận Hà Nội, chất lượng nước sông ít biến động qua các đợt quan trắc, duy nhất điểm Ba Thá trong đợt 4, nước sông đạt mức tốt, ở các điểm quan trắc còn lại, nước sông chỉ dung được cho tưới tiêu, giao thông thủy. Đoạn sông Đáy qua Hà Nam, chất lượng nước sông có cải thiện hơn, có thể dung được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt (cần biện pháp xử lý).
“Nhìn chung, Môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Chất lượng nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp, nhiều đoạn sông nước đã bị ô nhiễm nặng, điển hình là đoạn sông Nhuệ qua địa phận TP.Hà Nội. Sông Đáy có chất lượng nước tốt hơn sông Nhuệ”, ông Nguyễn Trọng Đông – Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nhận định.
Cần quyết sách mạnh mẽ, đột phá
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, cần phải quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, phải kiểm điểm lại các khu công nghiệp cao, khu chế xuất không có công trình xử lý nước thải tập trung. Phải nhìn nhận rõ yếu kém của toàn hệ thống trong việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Trong thời gian tới, sẽ đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, làm cơ sở để khống chế xả thải.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trong giai đoạn tiếp theo, phải đánh giá rõ mục tiêu nào đạt được, chưa đạt được trong giai đoạn vừa qua để đề ra biện pháp cho thời gian tới. Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế, có chế tài xử phạt rõ ràng đối với các đối tượng gây ô nhiễm và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương cần hạn chế tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm; kiểm soát ngay từ đầu đối với việc xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Định hướng quản lý môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn mới, Ủy ban BVMT lưu vực sông thống nhất việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường” được quy định tại Điều 8 và 9 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó ưu tiên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy để thay thế Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã kết thúc năm 2020.
Cùng với đó, nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù cho lưu vực sông nói chung và lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng, như chính sách thu hút, phân bổ nguồn vốn để thực hiện một số nhiệm vụ, dự án về cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, chính sách hỗ trợ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đầu nguồn. Có cơ chế ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và rác thải sinh hoạt, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm trên sông Nhuệ - sông Đáy.
Đặc biệt, chỉ đạo ưu tiên tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy theo hướng hợp tác công – tư, xã hội hoá và địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông.
Trong tổng số 45 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay đã có 43/45 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đối với 27 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, đến nay đã có 21 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để (chiếm tỉ lệ 77.78%); 6 cơ sở cơ bản đã hoàn thành biện pháp xử lý triệt để (chiếm tỉ lệ 22,22%).
Minh Phương