Giải pháp nào cho việc xử lý chất thải y tế?
Chất thải y tế đã và đang tác động trực tiếp tới môi trường và sức khỏe của người dân, từ đó đặt ra nhiều thách thức trong việc xử lý các loại chất thải trong ngành y tế.
Rác thải y tế, nỗi lo môi trường và sức khỏe.
Sáng 14/7, Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ “Xử lý chất thải y tế” do Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức đã thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực xử lý chất thải y tế tham dự.
Thông tin tại hội thảo, ThS Nguyễn Đức Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ TP. HCM cho biết, xử lý chất thải y tế là bài toán khó và cấp thiết của toàn thế giới bởi đây là nguồn thải có khả năng nhiễm các loại vi khuẩn, virus nguy hiểm, có rủi ro cao cho sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường.
Lượng chất thải y tế phát sinh ngày càng nhiều đang khiến cho hệ thống xử lý có dấu hiệu bị quá tải. Tại Việt Nam theo thông tin tại hội nghị trực tuyến “Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế” do Bộ Y tế phối hợp với chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức năm 2019, lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày. Trong đó, khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại.
Lượng chất thải rắn y tế có xu hướng ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần trong y tế ngày càng nhiều. Đặc biệt, đại dịch Covid bùng phát từ năm 2020 đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn y tế cần xử lý. Riêng tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khi dịch Covid phát triển mạnh, chất thải y tế đã tăng từ mức 40 tấn/ngày lên đến đỉnh điểm là gần 150 tấn/ngày.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất thải y tế là tất cả các chất thải được sinh ra tại các bệnh viện, cơ sở y tế,… Trong đó, 75 – 90% là chất thải rắn thông thường (phát sinh từ hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh,…) không tính các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phần còn lại (từ 10-20%) là chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Do tính chất nguy hại, nên chất thải y tế được quan tâm từ khá lâu trên thế giới (từ những năm đầu thế kỷ 20, đã có những sáng chế đầu tiên liên quan đến xử lý loại chất thải nguy hại). Vấn đề này ngày càng thu hút nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là trong những năm gần đây số lượng sáng chế gia tăng liên tục. Sáng chế về xử lý chất thải y tế tập trung theo 2 hướng nghiên cứu chính đó là: loại chất thải y tế và các kỹ thuật để xử lý chất thải y tế.
“Ở trong nước, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu xử lý chất thải y tế. Một số kết quả nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải y tế đã được đăng ký và cấp bằng sáng chế, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng thành công vào thực tiễn” – ThS Nguyễn Đức Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều đơn vị chú trọng xây dựng công nghệ xử lý chất thải y tế tiên tiến
Trong khuôn khổ của hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng báo cáo những công nghệ trong xử lý chất thải y tế mang nhiều tính ưu việt như: Xử lý rác thải y tế không đốt – công nghệ thân thiện với môi trường; Công nghệ Plasma Nano Bubble xử lý nước thải y tế; Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế công nghệ Plasma; Công nghệ vi sóng giải pháp xử lý chất thải y tế an toàn và hiệu quả; Công nghệ xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt chất thải rắn VHI-18B.
Hầu hết, những công nghệ xử lý chất thải y tế nêu trên đều mang những đặc tính riêng biệt và đảm bảo xử lý tốt nguồn thải, an toàn, bảo vệ môi trường.
Điển hình, đối với Công nghệ xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt chất thải rắn VHI-18B do Viện Công nghệ Môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện có ưu điểm là đốt đa vùng, đáp ứng yêu cầu nhiệt độ cao, xáo trộn mạnh, thời gian lưu cháy dài vì vậy hiệu suất đốt cháy rác thải, thiêu hủy dioxin và furan cao; Thành lò được xây bằng gạch Sa mốt A, cách nhiệt bằng bông khoáng chịu nhiệt cao và vỏ lò làm bằng vật liệu inox SUS 304 nên khi lò đang đốt ở nhiệt độ cao nhƣng kiểm tra bên ngoài vỏ lò vẫn mát.
Luôn duy trì áp suất âm trong lò nên khi lò đang hoạt động vẫn có thể mở cửa nạp mẻ rác mới; Hệ thống xử lý khí thải của lò kết hợp với trao đổi nhiệt để loại trừ triệt để bụi, kim loại nặng và các khí độc hại (NO, SO, HCI, HF...), làm lạnh nhanh khí thải xuống dƣới 200OC tránh tái sinh dioxin, đồng thời nung nóng không khí cấp cho lò, nhằm giảm thiểu việc tiêu hao nhiên liệu.
Khói thải ra sau khi xử lý không màu, không mùi, không gây ô nhiễm môi trường, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2012/BTNMT về khí thải lò đốt chất thải rắn y tế; Lượng tro trơ còn lại rất ít, được mang đi chôn lấp hoặc đổ thải như
chất thải rắn thông thường; Hệ thống có chế độ điều khiển tự động chu kỳ đốt, nhiệt độ và các thiết bị kèm theo nên việc vận hành tương đối đơn giản, an toàn; Có nhiều loại lò đốt công suất phù hợp với lượng chất thải của từng cơ sở bệnh viện; Có chế độ làm việc hiệu quả nên tiết kiệm nhiên liệu, do vậy chi phí xử lý thấp; Tính nội địa hóa cao, chi phí thấp hơn so với nhập ngoại, chỉ bằng 40-60% chi phí nhập ngoại.
Trong khi đó, PGS. TS Trần Ngọc Đảm đánh giá, hiện nay những công nghệ xử lý nước thải y tế đang áp dụng thì chiếm diện tích lớn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, quy trình vận hành phức tạp, chi phí lắp đặt xây dựng cao, công nghệ lạc hậu, phát sinh mùi,…. Để khắc phục vấn đề trên PGS. TS Trần Ngọc Đảm đã giới thiệu máy xử lý nước thải công nghệ Plasma có thể sử dụng để xử lý nhiều loại nước thải khác nhau và mang lại hiệu quả cao.
Theo đó, công nghệ Plasma là những chất oxy hóa bậc cao được gói vào bọt khó nano phân tán đều trong nước và động năng hạt mang điện bẻ gãy các chuổi và động năng hạt mang điện bẻ gãy các chuỗi Hydrocacbon (vi khuẩn, vi rút, nấm mốc,…) các vòng benzen (hóa chất kháng sinh, mẫu xét nghiệm) và keo tụ các chất lơ lửng làm sạch nước khó xử lý như nước thải bệnh viện, phòng thí nghiệm hóa sinh, rác….
Máy xử lý nước thải công nghệ Plasma có nhiều ưu điểm như xử lý hoàn toàn tự động AI, IoT, cho phép xử lý linh hoạt tất cả các loại nước thải công nghiệp, khách sạn, y tế, nước thải làng nghề và nước sinh hoạt đầu nguồn; Nhỏ gọn, dễ dàng được tích hợp trong mọi điều kiện mặt bằng nhỏ hẹp, thiết kế theo yêu cầu của khách hàng; Chỉ dùng điện tự động hoàn toàn, không hóa chất, không vi sinh, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm năng lượng.
Thanh Tùng