Thứ bảy, 23/11/2024 14:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/10/2021 08:05 (GMT+7)

Giá xăng dầu liên tục tăng, doanh nghiệp chịu tác động kép?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều ngành đã chịu tác động rất lớn do dịch bệnh, giờ chịu thêm tác động kép của giá xăng dầu như giao thông vận tải, du lịch..., rất cần ổn định giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế.

Loay hoay tháo gỡ khó khăn

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa yêu cầu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, bắt đầu từ ngày 26/10. Theo đó, giá xăng đắt thêm gần 1.500 đồng, dầu cũng tăng trên 1.000 đồng khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, sản xuất "khó chồng khó".

Đối với doanh nghiệp vận tải, ước tính xăng dầu chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. Doanh nghiệp đang loay hoay tiết giảm mọi chi phí khác để tồn tại, xoay xở bù lỗ cho chi phí nhiên liệu.

Giá xăng dầu liên tục tăng, doanh nghiệp chịu tác động kép? - Ảnh 1
Doanh nghiệp vận tải gặp rắc rối khi xăng dầu tăng giá. (Ảnh minh họa)

Có thể nhận thấy, mặc dù giá nhiên liệu có thể tăng ngay lập tức nhưng giá cước vận tải rất khó tăng trong một thời gian ngắn vì khách hàng không dễ dàng chấp thuận thay đổi giá. Chưa kể, đơn hàng lẻ, doanh nghiệp vận tải sẽ khó nhận vì phải chịu lỗ quá nhiều. Để bù được giá chi phí nhiên liệu đầu vào thì giá cước vận tải phải tăng tối thiểu 5-10%.

Không chỉ doanh nghiệp vận tải, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng bày tỏ lo lắng, giá xăng dầu tăng cao tác động mạnh tới chi phí vận hành. Một số doanh nghiệp khi nhập nguyên vật liệu sản xuất mới đã được đối tác báo giá tăng 10%, thậm chí có loại tăng 30% với lý do giá nhiên liệu đầu vào tăng. Điều này cho thấy áp lực tăng giá thành sản phẩm đầu ra đang rất lớn nếu đợt nhập hàng sản xuất tiếp theo đối tác vẫn tăng giá.

Đó là chưa kể đối với doanh nghiệp lớn còn nguồn tiền có thể trích ra để bù cho số âm của quỹ bình ổn, nhưng với doanh nghiệp nhỏ hơn buộc phải quay qua vay ngân hàng với lãi suất 7-8%/năm.

Cách nào để giúp cứu nguy cho các doanh nghiệp?

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Khi công cụ điều hành để giữ giá bán lẻ xăng dầu trong nước là quỹ bình ổn đang cạn kiệt và khả năng âm, có thể tính đến công cụ là quản lý là thuế, phí. Tức là xem xét giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế về môi trường ở mức hợp lý hơn”.

Hiện trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, các loại phí thuế chiếm hơn 60% với mỗi lít xăng, tùy loại. Đáng kể nhất là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, dầu diesel 2.000 đồng...

Giá xăng dầu liên tục tăng, doanh nghiệp chịu tác động kép? - Ảnh 2
Cân nhắc giảm các loại thuế hỗ trợ doanh nghiệp. (Ảnh: Internet)

Nhiều ngành đã chịu tác động rất lớn do dịch bệnh, giờ chịu thêm tác động kép của giá xăng dầu như giao thông vận tải, du lịch... thì cần phải ổn định giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế.

Đồng tình với việc này, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nói thêm: “Giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp. Để tạo dư địa cho phát triển, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, chính sách có thể tính đến là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản phí”.

Nhưng ông lưu ý việc giảm thuế, phí này cần bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường. Điều hành cần phải tổng thể giải pháp, không phải tăng gì thì lao vào giảm đó, mà phải có nhiều cung cụ linh hoạt để điều tiết nền kinh tế, nên cần phải vận dụng hài hòa từng điều kiện và bối cảnh.

Tuy vậy, dư địa để giảm thuế, phí vẫn còn, nhất là thuế bảo vệ môi trường trong ngắn hạn với xăng E5 RON 92. Việc Nhà nước điều chỉnh giảm thuế phí xăng dầu, theo các chuyên gia, cũng để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp bớt được chi phí, sẽ bớt được áp lực tăng giá, lạm phát.

Thu Hà (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Giá xăng dầu liên tục tăng, doanh nghiệp chịu tác động kép?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới