Giá xăng dầu hôm nay 26/7: Cập nhật giá xăng dầu trong nước, quốc tế
Cập nhật giá xăng dầu trong nước và thế giới mới nhất hôm nay 26/7/2023. Cập nhật giá xăng dầu thế giới mới nhất hôm nay 26/7.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 26/7
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 26/7, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2023 ở mức 78,86 USD/thùng, giảm 0,34 USD trong phiên và tăng 0,37 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 25/7.
Giá dầu Brent tăng 90 cent, tương đương 1,09%, lên mức 83,64 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức 83,87 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 19/4.
Với số liệu ghi nhận mới nhất, giá dầu thô Brent đã tăng lên lỷ lục vượt mốc 83 USD/thùng và cao nhất trong ba tháng gần nhất.
Nguyên nhân giá xăng dầu hôm nay trên thế giới tăng giá kỷ lục bởi nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn và nhu cầu của Trung Quốc mạnh hơn. Thị trường dầu mỏ vẫn được hỗ trợ bởi việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+, với việc nhóm này báo hiệu sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung nếu cần.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng cao sau thông tin giới chức Trung Quốc cam kết đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nền kinh tế khi quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 chậm chạp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát tín hiệu tăng hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản, đồng thời cam kết thúc đẩy tiêu dùng. Động thái này có thể hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ ở Trung Quốc.
Hạn chế mức tăng của giá dầu là một số dữ liệu kinh tế từ châu Âu và Mỹ.
Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Tin tức trên khiến nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên, trong bối cảnh thị trường toàn cầu có dấu hiệu thắt chặt nguồn cung.
Giá dầu đã tăng 4 tuần liên tiếp khi nguồn cung dự kiến sẽ thắt chặt do kế hoạch cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Giới phân tích nhận định giá dầu còn có thể tăng cao hơn trong ngắn hạn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy tại khu vực đồng euro, hoạt động kinh doanh trong tháng 7 giảm hơn dự kiến do nhu cầu trong ngành dịch vụ của khối giảm trong khi sản lượng của nhà máy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện. Theo nghiên cứu này, chỉ số quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của HCOB cho khu vực đồng euro trong tháng 7, do S&P Global biên soạn và được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế tổng thể, đã giảm xuống 48,9 (mức thấp nhất trong 8 tháng) từ mức 49,9 của tháng 6.
Dự trữ dầu thô và các loại xăng dầu tăng trong tuần vừa qua, dự trữ xăng trong khi đó giảm, theo những nguồn tin thị trường từ Viện Xăng dầu Mỹ công bố vào ngày thứ Ba.
Dự trữ dầu thô tăng 1,32 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/7/2023, theo API. Dự trữ xăng giảm khoảng 1,04 triệu thùng.
Giá dầu được dự báo sẽ tăng trong nửa sau của năm khi mà nguồn cung khó đáp ứng đủ nhu cầu, theo Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF), theo nội dung bài báo mới được CNBC đăng tải.
Tổng thư ký của IEF, ông Joseph McMonigle, phân tích nhu cầu dầu hiện đang tăng nhanh chóng lên ngưỡng trước đại dịch COVID-19, tuy nhiên nguồn cung đang khó theo kịp. Ông khẳng định yếu tố duy nhất có thể hạ nhiệt đà tăng giá dầu hiện tại chính là nỗi sợ suy thoái kinh tế.
“Đối với nửa sau của năm nay, chúng ta nhiều khả năng sẽ gặp khó trong việc đáp ứng nguồn cung, và kết quả của việc này là giá sẽ phản ứng với điều đó”, ông McMonigle phân tích bên lề cuộc họp của bộ trưởng năng lượng của nhóm các nước công nghiệp phát triển G20 tại Ấn Độ.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay ngày 26/7
Chiều 21/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng 1.220 đồng/lít so với xăng E5RON92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 1.295 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.639 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.792 đồng/lít.
Giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh trong đợt điều hành này. Cụ thể, dầu điêzen 0.05S cũng tăng 884 đồng/lít, dầu hỏa tăng 869 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5Stăng 437 đồng/kg.
Lan Anh