Thứ sáu, 27/12/2024 05:06 (GMT+7)
    Thứ bảy, 23/04/2022 07:18 (GMT+7)

    Giá vật liệu biến động lớn khiến thi công cao tốc Bắc Nam ‘cầm chừng’

    Theo dõi KTMT trên

    Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, dẫn đến nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống.

    Xử lý dứt điểm vấn đề vật liệu

    Một số vướng mắc về tiến độ thi công các dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 vừa được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm báo cáo với Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

    Theo thông tin được biết, trong 10 dự án thành phần, có 4 dự án phải hoàn thành năm 2022 đang bị chậm tiến độ 2,6%; 4 dự án hoàn thành trong 2023 và 2 dự án hoàn thành trong 2024 cơ bản đáp ứng kế hoạch.

    Giá vật liệu biến động lớn khiến thi công cao tốc Bắc Nam ‘cầm chừng’ - Ảnh 1
    Ảnh minh họa: TTXVN

    Vướng mắc trong quá trình triển khai dự án được lãnh đạo Bộ GTVT chỉ ra do thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn. Việc này đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

    Theo lời Thứ trưởng Bộ GTVT: “Điều này cũng khiến nhà thầu khó khăn trong triển khai dự án bởi tâm tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công”.

    Giá vật liệu biến động lớn khiến thi công cao tốc Bắc Nam ‘cầm chừng’ - Ảnh 2
    Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm.

    Địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ thời tiết bất thường mưa nhiều, các tỉnh Nam Trung Bộ mùa mưa đến sớm hơn thường lệ nên tiến độ thi công một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu.

    Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, việc bàn giao mặt bằng dự kiến hoàn thành toàn bộ trước 30/6.

    Rút kinh nghiệm từ việc triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, sang giai đoạn 2, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị để đảm bảo nguồn nguyên vật liệu xây dựng, mỏ nào khai thác được, cự ly bao nhiêu, trữ lượng và kết cấu vật liệu như thế nào phải nêu rõ ràng và thể hiện trong bộ hồ sơ riêng.

    Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho rằng khi xây dựng cao tốc, khó nhất là giải phóng mặt bằng, sau đó là vật liệu xây dựng rồi đến tiến độ, năng lực nhà đầu tư, nhà thầu.

    Ông đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT xuống tận hiện trường làm việc với các nhà thầu, ban quản lý dự án về vật liệu đắp nền của dự án bởi ông băn khoăn khi còn 8 tháng nữa phải hoàn thành dự án mà đến nay vẫn còn thiếu mấy triệu m3.

    Các địa phương cũng phải tập trung giải quyết dứt điểm việc cấp mỏ vật liệu xây dựng. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đất đắp nền còn thiếu của dự án.

    “Cần đặc biệt chú trọng chất lượng, đưa chất lượng lên hàng đầu, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng”, ông Thành lưu ý cần thường xuyên kiểm tra năng lực thực sự của nhà thầu.

    Tiến độ phải kiểm soát chặt chẽ từng ngày, từng tuần, từng tháng

    Đối với giai đoạn 2 của dự án, Phó thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai khẩn trương các công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường GPMB, tái định cư, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây dựng đến 31/12.

    Giá vật liệu biến động lớn khiến thi công cao tốc Bắc Nam ‘cầm chừng’ - Ảnh 3
    Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

    Để hoàn thành các tuyến cao tốc Bắc - Nam ở cả hai giai đoạn, lãnh đạo Chính phủ nhận định khối lượng công việc còn rất nhiều, “vừa lớn, vừa khó, vừa phức tạp”, bởi mục tiêu trong 5 năm cần hoàn thành khoảng 1.400 km cao tốc, trong khi 20 năm trước mới chỉ làm được hơn 1.000 km.

    “Đây là yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù để đảm bảo hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025, do đó phải thực sự đổi mới, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

    Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xuống tận hiện trường làm việc với các nhà thầu, ban quản lý dự án về vật liệu đắp nền của dự án, bởi còn 8 tháng nữa phải hoàn thành dự án mà đến nay vẫn còn thiếu hàng triệu m3. Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan.

    Các Ban quản lý dự án tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đúng cam kết về tiến độ, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày, từng tuần, từng tháng. Trong trường hợp không đạt tiến độ thì thay ngay nhà thầu.

    Các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm việc cấp mỏ vật liệu xây dựng. Các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đất đắp nền còn thiếu của dự án.

    Đối với giai đoạn 2 của dự án, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai khẩn trương các công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây dựng đến ngày 31/12/2022.

    Các địa phương rà soát, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trong việc khảo sát, điều tra mỏ vật liệu, bãi đổ chất thải xây dựng, thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải cũng như triển khai các thủ tục liên quan để chủ động có đầy đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án; Bộ Giao thông vận tải thẩm tra, phê duyệt 12 dự án thành phần trước ngày 30/6/2022.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Giá vật liệu biến động lớn khiến thi công cao tốc Bắc Nam ‘cầm chừng’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Việt Nam đã thành công trong năm 2024
    Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.