Giá khí đốt tăng vọt trên thế giới, Việt Nam tích cực nhập khẩu thêm
Giá khí đốt đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở cả châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, lượng khí đốt nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng đột biến.
Bức tranh năng lượng khí đốt có nhiều biến động trong 1 năm qua. Nguồn cung khan hiếm, trong khi các nhà sản xuất không muốn phân bổ vốn mới cho việc khoan tìm kiếm nguồn cung, chuyển hướng phân bổ vốn cho năng lượng tái tạo. Kết quả là giá khí đốt tăng cao và không có dấu hiệu hạ nhiệt trong tương lai gần ở Mỹ và ở châu Âu.
Mùa đông lạnh giá năm 2020-2021 đã tiêu thụ lượng lớn khí đốt dự trữ từ các cơ sở lưu trữ ngầm dưới lòng đất, ước tính vào khoảng 66 tỉ m3. Ngoài ra, tốc độ lưu trữ khí đốt vào các kho ngầm trong mùa hè vừa qua đã chậm hơn khoảng 3 tuần so với cùng kỳ hàng năm. Theo tính toán của Gazprom, lưu trữ khí đốt ở châu Âu hiện đang thấp hơn 22,9 tỉ m3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Gas Infrastructure Europe, tính đến ngày 16/9, tỉ lệ lấp đầy tại các cơ sở lưu trữ khí đốt châu Âu đã đạt 71,26%. Nếu tiếp tục bơm khí vào kho chứa với tốc độ hiện nay, thì tỉ lệ lấp đầy sẽ đạt khoảng 80% vào đầu mùa đông. Việc không đủ nguồn khí dự trữ có thể khiến giá khí trên thị trường giao ngay tăng mạnh.
Cuối tháng 9, giá khí đốt của Mỹ tăng hơn 180% so với 12 tháng trước, lên mức 5,9 USD/MMBtu, cao nhất kể từ tháng 2/2014.
Một cuộc chiến tranh giành các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang diễn ra. Các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng đang cố gắng gom thật nhiều khí đốt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa đông.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/9/2021, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,4 triệu tấn khí đốt hoá lỏng, giá trị 877 triệu USD. Con số này so với cùng kỳ năm 2020 tăng 16,7% về lượng và tăng 58% về giá.
Giá nhập khẩu trung bình khí đốt hóa lỏng trong đầu tháng 9 tháng là 702 USD/tấn, tăng 20,2% so với tháng 1. Tính chung 9 tháng đầu năm, giá khí đốt nhập khẩu đạt trung bình 626 USD/tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc, UAE và Kuwait là 3 thị trường xuất khẩu khí đốt chính cho Việt Nam.
Sản lượng khí đốt nhập khẩu từ Kuwait trong tháng 8/2021 đạt 114 nghìn tấn, tương đương 70 triệu USD, tăng 2.046 lần về lượng, tăng 1.809 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, song chỉ chiếm 9% tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.
Nhập khẩu từ Trung Quốc, thị trường lớn nhất trong 8 tháng đầu năm, đạt hơn 253 nghìn tấn, tương đương 163 triệu USD, giảm 4% về lượng, tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 21% tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.
Bảo Ngọc