Chủ nhật, 22/12/2024 01:28 (GMT+7)
Thứ ba, 16/07/2024 11:55 (GMT+7)

Giá cước vận tải biển tăng cao, Bộ trưởng Công Thương gửi thư nhờ Chủ tịch FIATA "gỡ khó"

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao, ùn tắc và thiếu container rỗng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã gửi tâm thư cho Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Giao nhận (FIATA) ngỏ lời nhờ hỗ trợ các giải pháp giúp Việt Nam vượt qua các khó khăn.

Cụ thể, trong bức thư gửi đến ông Turgut Erkeskin, Chủ tịch FIATA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế hướng về xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9%; trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 11,85 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Giá cước vận tải biển tăng cao, Bộ trưởng Công Thương gửi thư nhờ Chủ tịch FIATA "gỡ khó" - Ảnh 1
Giá cước vận tải bằng đường biển tăng cao trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn, với là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác về logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa các quốc gia, ông Turgut Erkeskin và FIATA có thể hỗ trợ, có những biện pháp thiết thực để giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các khó khăn do tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc cảng và thiếu container rỗng nêu trên.

Trong số đó, có thể bao gồm đề xuất giải pháp của FIATA cho vấn đề có tính toàn cầu này. Ngoài ra,chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia và các hiệp hội thành viên của FIATA đã và đang áp dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các khoản phí ngoài cước thu tại cảng.

Mặt khác, trong phạm vi ảnh hưởng của mình với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhấn mạnh vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu để có ưu tiên phù hợp về phương tiện và thiết bị vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong chiến lược định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất hàng hóa, địa điểm trung chuyển quốc tế mới của châu Á trong cộng đồng các doanh nghiệp logistics toàn cầu.

Đặc biệt, ủy quyền cho các tổ chức Việt Nam tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ FIATA để góp phần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cao.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh "Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics kết nối, hợp tác chặt chẽ, có phương án ứng phó kịp thời để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các diễn biến phức tạp trong tương lai.

Bộ Công Thương tin tưởng sự hợp tác với FIATA sẽ tiếp tục phát triển, Việt Nam có đóng góp xứng đáng vào việc nâng cao vai trò, vị thế của FIATA và FIATA hỗ trợ hiệu quả giúp Việt Nam hội nhập với thị trường logistics thế giới".

Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cước vận tải một container từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) tăng lên 9.387 USD vào ngày 11/7 vừa qua, cao hơn gấp 2 lần so với giá cước trong tháng 2 năm nay.

Chi phí vận chuyển một container hàng hóa 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) đã tăng lên gần 10.000 USD, gia tăng lo ngại đối với những nhà nhập khẩu.

Giới chuyên gia lý giải nguyên nhân giá cước tăng chủ yếu do các hãng vận tải buộc phải dừng lộ trình qua kênh đào Suez khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công vào các tàu trên Biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí.

Theo sàn giao dịch vận tải Thượng Hải, trong tháng 7 này, giá cước vận tải container chở hàng từ Thượng Hải đến Bờ Tây nước Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 8.100 USD, dù số lượng hàng vận chuyển bằng đường biển vẫn thấp hơn mức đạt được hồi đầu đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, chỉ số của Drewry cho thấy giá cước trên tuyến vận tải này bằng khoảng 60% mức cao nhất 12.400 USD/container trong thời đại dịch.

Nhận định về giá cước vận tải container, quản lý cấp cao về nghiên cứu container tại Drewry, ông Simon Heaney cho rằng: “Đây là một bong bóng và cuối cùng sẽ vỡ.”

Kết quả thăm dò các khách hàng do công ty tư vấn này tiến hành dự kiến giá sẽ giảm trong nửa đầu năm 2025.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Giá cước vận tải biển tăng cao, Bộ trưởng Công Thương gửi thư nhờ Chủ tịch FIATA "gỡ khó". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới