Thứ năm, 25/04/2024 09:28 (GMT+7)
Thứ năm, 06/01/2022 17:00 (GMT+7)

Gây ồn ào vào ban đêm ảnh hưởng đến hàng xóm sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Theo nghị định mới ban hành, hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, có hiệu lực từ 1/1/2022.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 đã thay đổi nhiều mức phạt trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Gây ồn ào vào ban đêm ảnh hưởng đến hàng xóm sẽ bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1
Từ ngày 1/1/2022, các cá nhân có hành vi gây ồn ào sau 22 giờ bị phạt đến 1 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 2 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, nghị định mới này đã tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với một trong các hành vi:

Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau: Hát karaoke, hát loa kẹo kéo...; Không thực hiện các quy định chung về giữ yên tĩnh tại bệnh viện, trường học, nhà điều dưỡng…; Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định.

Trong đó, mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, với tổ chức vi phạm mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần.

Như vậy, từ ngày 1/1/2022 các cá nhân có hành vi gây ồn ào sau 22 giờ bị phạt đến 1 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 2 triệu đồng.

Được biết, trước đây, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Nói về tác hại của tiếng ồn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50 dB là chấp nhận được, còn từ 80 dB trở lên thì có thể gây điếc. Trong khi đó, những tiếng hát lớn có khuếch đại thì cường độ lên tới 110 dB, gấp đôi bình thường. Điều đó gây tác hại với sức khỏe, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Những người sống và tiếp xúc cường độ âm thanh lớn, thì thường không có giấc ngủ ngon.

Ông cũng dẫn chứng một thống kê cho thấy, nếu thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn bình thường mà cũng không tạo ra giấc ngủ bình thường được. Năng suất lao động ảnh hưởng lớn vì về nhà nghỉ ngơi rồi vẫn bị “tra tấn” bởi tiếng ồn. Về lâu dài, ảnh hưởng từ tiếng ồn dẫn đến các bệnh về tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhất là đối với những người lớn tuổi. Dễ nhận thấy nhất là tiếng ồn ảnh hưởng đến tâm lý, gây bức xúc cho người dân. Từ bức xúc đó, có thể dẫn đến tranh cãi thậm chí xô xát, án mạng xảy ra.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Gây ồn ào vào ban đêm ảnh hưởng đến hàng xóm sẽ bị xử phạt như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.