Gạo xuất khẩu Việt Nam được giá, giữ vị trí cao nhất thế giới
Giá gạo nước ta giữ vị trí cao nhất thế giới kể từ ngày 16/8 đến nay, trong đó gạo 5% tấm đạt 578 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn, Pakistan 36 USD/tấn.
Giá gạo hôm nay
Giá gạo IR 504 Hè Thu hôm nay giảm nhẹ, dao động từ 11.650 đến 11.700 đồng/kg, giảm 50 - 100 đồng so với ngày 20/8.
Giá gạo thành phẩm IR 504 cũng giảm 100 đồng, hiện đang là 13.700 - 13.800 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá các loại gạo không thay đổi:
- Gạo Nàng Nhen: 28.000 đồng/kg.
- Gạo Jasmine: 18.000 - 20.000 đồng/kg.
- Gạo Nàng hoa: 20.000 đồng/kg.
- Gạo tẻ thông thường: 15.000 - 16.000 đồng/kg.
- Gạo thơm Thái hạt dài: 20.000 - 21.000 đồng/kg.
- Gạo Hương lài: 20.000 đồng/kg.
- Gạo thơm Đài Loan (Trung Quốc): 21.000 đồng/kg.
- Gạo trắng thông dụng: 17.000 đồng/kg.
- Gạo Sóc thường: 18.500 đồng/kg.
- Gạo Sóc Thái: 20.000 đồng/kg.
- Gạo Nhật: 22.000 đồng/kg.
Tình hình giao dịch lúa tại các địa phương như Cần Thơ, Long An và Đồng Tháp đang diễn ra chậm và giá cả không có nhiều biến động.
Theo thông tin mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa IR 50404 hôm nay là từ 7.800 đến 8.000 đồng/kg.
Lúa Đài thơm 8 có giá từ 8.400 đến 8.600 đồng/kg, tăng 100 đồng so với hôm qua.
Lúa OM 5451 được bán với giá từ 8.000 đến 8.200 đồng/kg. Lúa OM 18 có giá từ 8.700 đến 8.900 đồng/kg, tăng 200 đồng. Lúa OM 380 có giá dao động từ 7.800 đến 8.000 đồng/kg.
Lúa Nhật được bán ở mức giá từ 7.800 đến 8.000 đồng/kg.
Lúa Nàng Nhen khô có giá cao nhất là 20.000 đồng/kg.
Thị trường nếp vẫn giữ ổn định, không thay đổi so với ngày 20/8. Giá nếp IR 4625 (tươi) dao động từ 7.800 đến 7.900 đồng/kg, không đổi. Nếp An Giang (tươi) có giá từ 7.000 đến 7.200 đồng/kg, giữ nguyên giá.
Phụ phẩm hôm nay chứng kiến sự giảm giá so với ngày 20/8. Giá tấm OM 5451 hiện là từ 9.500 đến 9.600 đồng/kg. Giá cám khô giảm 300 đồng/kg, hiện ở mức 7.150 đến 7.250 đồng/kg.
Gạo xuất khẩu Việt Nam được giá
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện giá gạo Việt Nam đang ở vị trí số 1 thế giới, cao hơn những nước mà trước đây thường có giá gạo xuất khẩu cao hơn Việt Nam.
Tính đến cuối ngày 20/8, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 578 USD/tấn, cao hơn mặt hàng cùng loại của Thái Lan 15 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 36 USD/tấn.
Tương tự, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 541 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 27 USD/tấn và gạo của Pakistan 23 USD/tấn.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, hiện nay, so với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, giá xuất khẩu tăng cao đã cho thấy sự trở lại ấn tượng của gạo Việt. Bởi cách đây một tháng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức thấp hơn gạo Thái Lan, Pakistan và Myanmar.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, giá gạo Việt Nam tăng cao và đứng đầu thế giới là do nhu cầu thị trường quyết định. Nguồn cung của một số nước đang hạn chế, trong khi đó chất lượng gạo Việt Nam ngày càng đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu khó tính của thị trường. Thêm vào đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đàm phán tốt với đối tác nên giá gạo của Việt Nam được đảm bảo.
Cũng theo ông Cường, hiện tại gạo nước ta có nhiều giống được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Đơn cử, Việt Nam đã nghiên cứu và cho ra đời bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2-3 vụ, năng suất cao và cho chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm. Đây là bộ giống độc quyền của Việt Nam mà các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan…không có. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam lại là khu vực sản xuất lúa gạo quanh năm, không chỉ đảm bảo về chất lượng mà sản lượng cũng duy trì ổn định bền vững.
Quan trọng hơn, bộ giống này đã giúp Việt Nam định vị một phân khúc gạo mới trên thị trường lúa gạo thế giới, đó là giống gạo thơm ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Cường cho biết, 5 năm trở lại đây, Bộ NN&PTNT kết hợp với các tỉnh, thành và nông dân, doanh nghiệp đã thay đổi hoàn toàn chất lượng gạo. Nhờ đó mà dù gạo Việt Nam có giá cao nhưng các quốc gia vẫn mua.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Như Cường cho biết, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của gạo Việt như Philippines, Indonesia, Ghana, Malaysia, Singapore... tiếp tục duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...Với đà này, năm nay Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, tương đương năm 2023.
Bích Ngọc