Thứ sáu, 22/11/2024 22:53 (GMT+7)
Thứ năm, 10/03/2022 15:00 (GMT+7)

Gần 400 dự án “ôm” đất để hoang, Hà Nội lập đoàn kiểm tra, xử lý

Theo dõi KTMT trên

Hàng loạt các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất trên địa bàn thành phố được UBND TP.Hà Nội lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ xử lý.

Tình trạng ôm đất dự án rồi bỏ hoang

Theo nhiều nguồn tin cho hay, hiện trên địa bàn Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Hồi tháng 12/2021 vừa qua, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, UBND TP.Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm.

Qua thanh tra kiểm tra, nhiều chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đưa đất vào sử dụng. Dẫn đến tình trạng chậm triển khai, theo ông Cường, là do: Chính sách quy định liên quan đất đai quy hoạch có nhiều thay đổi; Chờ rà soát theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; tình hình dịch bệnh, ông Cường cho hay.

Gần 400 dự án “ôm” đất để hoang, Hà Nội lập đoàn kiểm tra, xử lý - Ảnh 1
Dự án bỏ hoang nhiều năm tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. (Ảnh: Doãn Thành)

Mặt khác ông Cường cho rằng, còn có nguyên nhân chủ quan như nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

383 dự án trước kia HĐND TP đã có ý kiến, hiện nay các sở ngành quận huyện tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với 61 dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh, có nguyên nhân chính là do khi sáp nhập 2008, TP tạm dừng các dự án để điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra còn do công tác GPMB, giao đất dịch vụ, năng lực của một số chủ đầu tư không đáp ứng được yêu cầu, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết.

Ông Đông nêu rõ: "Sở TNMT lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng. Các dự án nào do nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi".

Về việc thu hồi dự án ở Mê Linh trước đó, UBND TP.Hà Nội cũng cho biết đã ban hành quyết định thu hồi 4 dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai thực hiện hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng thực hiện dự án (gồm: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á).

Đáng chú ý, đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP.Hà Nội đã có chỉ đạo tạm dừng việc thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do có khiếu nại, kiến nghị của nhà đầu tư dự án.

Giải pháp nào để giải quyết tình trạng dự án bỏ hoang?

Sáng ngày 10/3, PV Kinh Tế Môi trường đã liên lạc với ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám Đốc sở xây dựng Hà Nội để hỏi về động thái mới nhất của UBND TP.Hà Nội trong việc giải quyết tình trạng gần 400 dự án chậm triển khai, bỏ hoang trên địa bàn thành phố sau khi TP.Hà Nội lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ xử lý…  nhưng ông Dũng cho biết chưa có thông tin mới hơn.

Trước đó, trong năm 2021, hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai tại các tỉnh Điện Biên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Phú Thọ... cũng đã được nêu tên công khai. Các tổ chức vi phạm chủ yếu là do sử dụng đất sai mục đích, không đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư, qua kiểm tra hậu kiểm một số trường hợp vẫn chưa khắc phục các tồn tại...

Việc công khai vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/CP của Chính phủ. Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản gửi các địa phương về việc tiếp tục công khai và gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật đất đai.

Theo đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, những doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về đất đai sẽ không được xem xét để giải quyết tiếp các thủ tục giao đất, cho thuê đất trong các dự án tiếp theo. Theo quy định, việc giao đất, cho thuê đất với các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật về đất đai hoặc nếu đã vi phạm thì phải khắc phục xong.

Chính phủ đã có Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các doanh nghiệp vi phạm. Các quy định cũng đã nêu cụ thể việc xử lý các trường hợp doanh nghiệp không sử dụng đất và chậm tiến độ sử dụng đất... đến mức nào sẽ bị thu hồi. Quy định cũng đề cập tới việc xử lý trong các trường hợp bất khả kháng như chậm tiến độ do dịch bệnh.

Gần 400 dự án “ôm” đất để hoang, Hà Nội lập đoàn kiểm tra, xử lý - Ảnh 2
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: "Giải pháp tình thế hiện nay là cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án mà nhà đầu tư không đủ năng lực. Những dự án nào đủ điều kiện tiếp tục triển khai thì thực hiện biện pháp đánh thuế, càng để lâu thì càng phải chịu nhiều thuế".

Gần 400 dự án “ôm” đất để hoang, Hà Nội lập đoàn kiểm tra, xử lý - Ảnh 3
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp chia sẻ: "Để giải quyết tình trạng dự án bỏ hoang, chậm triển khai công việc đầu tiên phải sửa đổi Luật Đất đai phù hợp điều kiện thực tế, theo hướng thông thoáng cho DN, thuận lợi đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng đồng thời cũng phải có chế tài cụ thể, cá nhân, tập thể trong cơ quan quản lý vi phạm xử lý đúng theo luật, DN vi phạm tiến hành thu hồi dự án, xử phạt vì trước giờ chúng ta hay “đánh đồng” đổ lỗi hết cho DN".

Hồi cuối năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Công văn gửi các địa phương về “xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai”, nhằm giải quyết dứt điểm những trường hợp vướng mắc để đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai. Bộ đề nghị các địa phương báo cáo danh sách các dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai còn vướng mắc, chưa xử lý; Các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí.

Những doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về đất đai sẽ không được xem xét để giải quyết tiếp các thủ tục giao đất, cho thuê đất trong các dự án tiếp theo. Theo quy định, việc giao đất, cho thuê đất với các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật về đất đai hoặc nếu đã vi phạm thì phải khắc phục xong.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Gần 400 dự án “ôm” đất để hoang, Hà Nội lập đoàn kiểm tra, xử lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới