Gần 30 tấn ngao giấy trôi dạt vào bờ biển Nam Định sau cơn bão Noru
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy cho biết từ tối 28/9, thời điểm sau khi bão Noru tan, khu vực bãi biển thuộc địa phận xã Giao Hải xuất hiện một lượng lớn ngao bị sóng biển đánh dạt vào bờ, nằm chất đống dọc bờ biển.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy xác nhận, trên địa bàn có hiện tượng ngao giấy trôi dạt vào bờ biển, chủ yếu là ở xã Giao Hải. Ngao trôi dạt vào bờ có cả con còn sống và đã chết. Ước tính khoảng 30 tấn ngao dạt vào bờ nên khu vực bãi biển xã Giao Hải, có những nơi ngao nổi trắng trên cát.
Người dân gọi đây là “lộc biển” nên nhiều người dân địa phương từ phụ nữ, thanh niên, trẻ em và cả người cao tuổi bảo nhau nhặt ngao trên bãi bồi bãi biển Cồn Lu ở xã Giao Hải. Có đoạn cả chục mét ở sát mép nước, ngao nằm xếp lên nhau hoặc bị sóng đẩy dạt hẳn lên bãi.
Chị Phùng Thị Nhẫn (một người dân địa phương) nói: "Bão không ảnh hưởng đến Nam Định nhưng lại mang theo nhiều lộc trời. Từ sáng đến giờ, tôi cũng nhặt được gần 3 bao ngao rồi. Không hiểu lý do gì mà ngao dạt vào bờ lại nhiều đến thế này…".
"Tôi nghe các cụ kể, thường sau các cơn bão thì ngao bị sóng đánh vào bờ, nhưng từ lâu lắm rồi mới có một đợt ngao dạt vào bãi biển của địa phương chúng tôi như thế này. Sáng nay, tôi ra đây thì cũng thấy cả trăm người đổ xô ra để nhặt. Tôi cũng nhặt được gần 1 bao vì còn phải chọn con sống, chứ ngao chết nhiều lắm. Loại ngao này còn gọi là ngao bông, rất ngon..." - một người dân khác cho biết.
Theo đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Giao Thủy, ngao bị sóng đánh dạt vào bờ là ngao tự nhiên, đây không phải là ngao nuôi bản địa mà có thể do ảnh hưởng của mưa bão, nước biển lớn nên ngao theo sóng biển trôi từ nơi khác tới.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định cho biết, ngày 30/9, đơn vị sẽ cử đoàn công tác phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Giao Thủy kiểm tra thực tế, tìm hiểu, xác định nguyên nhân sự việc trên.
Mưa sau bão Noru gây ngập lụt và thiệt hại nặng nề
Bão và mưa lũ sau bão cũng đã khiến 62 người bị thương; 3.364 nhà bị hư hại, tốc mái (Quảng Trị 168 nhà; Huế 419 nhà; Đà Nẵng 228 nhà; Quảng Nam 1.150 nhà; Quảng Ngãi 1.352 nhà; Gia Lai 7 nhà; Kon Tum 27 nhà, Nghệ An 13 nhà). Lũ lớn sau bão đã khiến 7.346 nhà bị ngập (trong đó riêng tỉnh Nghệ An có 7.306 nhà bị ngập), 5.372 cây xanh gãy đổ.
Về chăn nuôi, có 1.724 con gia súc, 20.292 con gia cầm bị chết, bị nước lũ cuốn trôi.
Về thủy lợi, sạt mái hạ lưu đập Hóc Cối ở Nghệ An); sạt lở 500m kênh (Hà Tĩnh); 1.000m đê, kè biển bị hư hỏng sạt lở ( Hà Tĩnh có 500m; Quảng Trị có 500m); 12 đập, hồ chứa bị xói lở. Về sạt lở bờ sông, bờ biển: có 2.660m bờ biển ở Thừa Thiên Huế bị sạt lở và 1.040m bờ sông (Thừa Thiên Huế 320m, Hà Tĩnh 720m). Ngành giáo dục cũng bị thiệt hại nặng nề, với 77 điểm trường bị ảnh hưởng bị hư hại tại TP Đà Nẵng vào các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đã có 1 ghe và 8 tàu nhỏ bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.
Đối với hệ thống điện, khi bão tràn qua đã khiến 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời, đến thời điểm này các địa phương đã khắc phục xong. Đến tối 29/9 vẫn còn 1 đường dây 110kV (thuộc lưới điện 110kV) chưa khôi phục được khiến tỉnh Quảng Nam hiện vẫn đang bị mất điện tại 147 xã.
Về giao thông, hiên đang có 65 vị trí bị ngập, sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, 15D, 9D, 14E, 24, 24B, 24C, một số tuyến đường giao thông địa phương và 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi do mưa lũ sau bão.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Kon Tum, do tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút (thuộc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) bị sạt lở ta-luy dương; tuyến tỉnh lộ 678 (đoạn km 19 qua xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông) bị ngập cầu tràn, đã khiến khiến 500 hộ dân xã Măng Ri bị cô lập.
Tại thôn Tu Thó, xã Tê Xăng đến chiều 29/9 vẫn còn gần 100 hộ dân bị chia cắt hoàn toàn do bão, lũ. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các xã phải rà soát, triển khai các biện pháp để đảm bảo lương thực, thực phẩm cũng như thuốc men đầy đủ cho dân, tuyệt đối không để dân lâm vào cảnh đói, rét. Đến nay, các hộ bị cô lập vẫn đảm bảo lương thực, thực phẩm.
Ở huyện Đăk Glei của tỉnh Kon Tum, mưa, bão đã làm thiệt hại 5 cây cầu treo, 5 cầu tràn bị hư hỏng nặng, 2 điểm đường và 2 cầu bê tông bị ngập sâu trong nước. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện bị sạt lở nặng nề, khối lượng đất đá sạt lở ước tính lên đến 1.950m3. Tại huyện này đến thời điểm này vẫn còn nhiều xã bị mất điện, 2 căn nhà bị sập hoàn toàn, cùng hàng chục căn nhà bị tốc mái, sạt lở.
Tại Gia Lai, tuy bão không còn, nhưng vẫn còn mưa lớn, khiến nhiều nơi nước lũ đang dâng cao. Trong ngày 29/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh đã phối hợp với các địa phương di dời 382 hộ tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét. Đồng thời chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng di dời 8.470 khẩu tại các huyện phía Đông Nam của tỉnh (huyện Phú Thiện 500 khẩu, huyện Ia Pa 7.970 khẩu) nếu mưa còn kéo dài, có lũ lớn uy hiếp.
Hải Anh