'Gặm xén' Amazon - Trái đất sẽ ra sao?
Nếu một ngày rừng Amazon - lá phổi xanh của hành tinh không còn nữa và chỉ còn là những “vết cắt xẻ” nham nhở trên bản đồ vệ tinh, Trái đất sẽ ra sao?
Rúng động toàn cầu
Thế giới đang rúng động trước vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có tại rừng Amazon, khi có tới hơn 9.500 đám cháy đã bùng phát tại Brazil chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần. Trung tâm Nghiên cứu không gian của Brazil (INPE) đã phát hiện tới 72.843 vụ cháy tại rừng Amazon tính riêng trong năm nay, tăng tới 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có tới 9.507 vụ cháy đã được phát hiện chỉ trong tuần vừa qua.
Hầu hết các vụ cháy đều xảy ra ở lưu vực sông Amazon, nơi đang là nhà của hơn 3 triệu loài cây và động vật hoang dã, và hơn 1 triệu thổ dân. Khu vực này bao gồm phần lãnh thổ của 9 quốc gia, nhưng có tới 60% diện tích thuộc về lãnh thổ Brazil.
Thế giới đang rúng động trước vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có tại rừng Amazon. |
Hậu họa của việc phá hủy rừng Amazon hoàn toàn sẽ dẫn tới một cuộc biến đổi không chỉ trong phạm vi khu vực mà trên toàn cầu về mức độ gia tăng hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, rừng mưa Amazon với diện tích 7 triệu km2 là bể chứa khí các bon lớn nhất thế giới, hấp thụ hàng tỷ tấn khí CO2, cung cấp 20% lượng O2 cho bầu khí quyển Trái đất và được xem là “tấm khiên sống” bảo vệ Trái đất trước sự nóng lên toàn cầu. “Lá phổi xanh” của Trái đất đang thực sự lâm nguy.
Khi lá phổi xanh của thế giới không còn hoạt động hiệu quả, lượng CO2trong không khí sẽ gia tăng khiến Trái đất nóng lên, đại dương bị axit hóa. Giới khoa học cảnh báo, nếu chúng ta “giỡn mặt” với rừng Amazon, lượng khí thải các bon sẽ tăng đến mức báo động khiến cả thế giới phải chịu trận. Điều đó đồng nghĩa với suy giảm chất lượng không khí cũng như tăng nhiệt độ toàn cầu.
Bên cạnh việc suy giảm lượng mưa khoảng 25% tại nhiều khu vực, tình trạng lũ lụt cũng xảy ra; một khi đã mưa thì sẽ là những cơn mưa xối xả, dẫn đến lũ quét, sạt lở. Viễn cảnh tăm tối này - những thời kỳ khô hạn kéo dài, theo sau là các cơn mưa liên tục dẫn đến lũ lụt - sẽ xảy ra trên diện rộng nếu rừng Amazon biến mất hoàn toàn. Mất rừng Amazon không chỉ thay đổi lượng mưa mà còn biến đổi khí hậu chung của toàn khu vực. Nó sẽ có những tác động lớn tới người dân tại khu vực Nam Mỹ và nhiều vùng khác trên thế giới.
Rừng Amazon không chỉ là ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật, ở đó còn sinh cảnh và là nơi ở của rất nhiều người dân - những người bám rừng để sống. Những cánh rừng nhiệt đới trên toàn thế giới đem lại cuộc sống cho hơn 300 triệu người và nếu rừng nhiệt đới biến mất, người dân sống xung quanh các cánh rừng sẽ bị đẩy tới lằn ranh của đói nghèo nghiêm trọng hơn. Nếu không có rừng, làn sóng di cư tới các thành phố lớn sẽ diễn ra, thậm chí, tới các quốc gia giàu có hơn. Điều tương tự đã xảy ra khi các vùng biển bị ô nhiễm, nguồn tài nguyên cá trở nên cạn kiệt. Đó chính là một cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra vượt ngoài ranh giới của một quốc gia riêng lẻ hay chỉ một khu vực.
Suốt hàng thập kỷ qua, Amazon như một “miếng bánh” để người ta gọt xén, trong âm thầm và lặng lẽ.
Mất tương lai
Rừng thể hiện vai trò rõ ràng và mạnh mẽ không thể thay thế trong cuộc sống của con người. Bằng chứng là hiện sinh kế của 1,6 tỉ người trên Trái đất phụ thuộc vào rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra. Rừng góp phần tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồncung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán…
Thế nhưng những con số do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố khiến chúng ta phải giật mình, mỗi năm, có khoảng 130.000 km2 rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này, làm cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm và với đà này trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đất định cư, thu hoạch gỗ không bền vững, quản lý đất đai không hiệu quả… cũng là những lý do phổ biến nhất cho sự thất thoát rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Rừng mất làm mất cân bằng nguồn nước, nước ở những nơi có rừng bị tàn phá thường thiếu trầm trọng. Người ta ước tính với nạn phá rừng như hiện nay, tới năm 2050, có tới 2 tỷ người, tức 20% dân số thế giới sẽ bị thiếu nước. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước này sống tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ bị đe dọa vì nước dùng để tưới tiêu cũng trở nên khan hiếm...
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” - chúng ta không thể cứ mãi tận diệt những cánh rừng và cuộc sống của hàng triệu loài động vật như thế.
Đừng bao giờ coi rừng chỉ đơn thuần là những cái cây!