FED không hạ lãi suất, bất chấp ông Donald Trump muốn "so găng" với Trung Quốc
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và nhiều khả năng không nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2019, mở ra một cuộc đối đầu giữa người đàn ông quyền lực Jerome Powell với thống Mỹ Donald Trump.
Chủ tịch FED bất chấp sức ép từ Tổng thống Mỹ
Rạng sáng ngày thứ Năm (20/06 - giờ Việt Nam), cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày vừa kết thúc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 2,25-2,5% và dự báo không có đợt giảm lãi suất nào trong năm 2019. Tuy nhiên, Fed vẫn để ngỏ cánh cửa có thể cắt giảm lãi suất vào năm 2020.
Theo biểu đồ “dot-plot” về kỳ vọng của mỗi thành viên trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), có 8 thành viên ủng hộ có 1 đợt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng cũng có 8 người ủng hộ giữ nguyên hiện trạng và một người vẫn muốn có 1 đợt nâng lãi suất.
Hành động này tạo ra một cuộc đối đầu có thể xảy ra giữa Chủ tịch Fed Jerome Powell và Tổng thống Donald Trump, người đã gây áp lực buộc Fed phải cắt giảm lãi suất.
Trước thời điểm cuộc họp của FOMC kết thúc, báo chí đặt câu hỏi “Liệu ông có muốn giáng chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hay không” và Tổng thống Mỹ Donal Trump cho biết “Hãy chờ xem ông ấy sẽ làm gì”.
Ông Donald Trump và chủ tịch Fed Jerome Powel |
Fed để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất
FOMC thừa nhận tăng trưởng kinh tế có vẻ chậm lại, trong khi lạm phát đang thấp hơn mức mục tiêu 2% của Fed. Trong dự báo về lạm phát năm 2019, Fed đã hạ xuống từ 1,8% xuống còn 1,5%, so với hồi tháng 3/2019.
Tuy nhiên, FOMC vẫn tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ sớm vượt qua giai đoạn này và tiếp tục tăng trưởng bền vững, lạm phát sẽ đạt ngưỡng 2% và thị trường lao động vững mạnh. Đó là cơ sở để Fed chưa cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 11 năm.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell nhấn mạnh cam kết về một thị trường việc làm vững mạnh và giá cả ổn định.
Trong 3 năm qua, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 9 lần giúp cho nền kinh tế phục hồi và hàng triệu người dân Mỹ có việc làm trở lại. Tuy nhiên căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ -Trung ngày càng leo thang khiến lo ngại về kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Chủ tịch Fed cho biết sẽ có những hành động thích hợp để giải quyết các rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có nghĩa cơ quan này đang để ngỏ khả năng có thể cắt giảm lãi suất.
Áp lực mới trước cuộc gặp với Trung Quốc
Quyết định giữ nguyên lãi suất lần này và nhiều khả năng chưa nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2019 có thể gây áp lực khá lớn lên phía ông Donald Trump trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp G20 cuối tháng này tại Nhật Bản.
Trung Quốc đã có những bước lui nhất định trong bối cảnh ông Trump có nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến công nghệ. Hai bên đã nhất trí sẽ có cuộc họp “kéo dài” tại hội nghị G20 ở Nhật Bản. Đây được xem là cơ hội để 2 bên trở lại bàn đàm phán, tìm giải pháp, thay vì một đợt đối đầu căng thẳng.
Trước đó, Tổng thống Mỹ đã nói rằng ông kỳ vọng cuộc gặp với ông Tập sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy vậy, ông cũng cho biết trên Fox News rằng nếu ông Tập không đến thì “cũng chẳng sao” và Mỹ sẽ ngay lập tức đánh thuế cao lên thêm hơn 300 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
Huyền Đoàn