Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành xuyên Tết phục vụ người dân?
Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội lên phương án vận hành tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đến 21h ngày cuối năm và từ 9h ngày mùng 1 Tết. Các chuyến tàu Tết đều giãn cách 10 phút/chuyến.
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa lên phương án vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông dịp Tết Nhâm Dần năm 2022.
Theo đó, ngày 31/1/2022 (29 Tết), thời gian mở tuyến 5h30, thời gian đóng tuyến 21h00; Ngày 1/2/2022 (mùng 1 Tết) thời gian mở tuyến 9h00, thời gian đóng tuyến 21h00; Ngày 2/2/2022 (mùng 2 Tết) thời gian mở tuyến 6h30, thời gian đóng tuyến 21h00. Các chuyến tàu 3 ngày trên đều giãn cách chạy tàu 10 phút.
Các ngày trước 29 Tết và các ngày từ 3/2/2022 (mùng 3 Tết) trở đi, thời gian đóng/mở tuyến được thực hiện bình thường theo phương án vận hành đã được phê duyệt.
Được biết, sau hơn 2 tháng đi vào vận hành, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đảm bảo chạy tàu an toàn tuyệt đối và thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đến ngày 13/1, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đạt mốc 1 triệu lượt khách đi tàu. Mỗi ngày tuyến đường sắt này vận chuyển bình quân gần 15.000 hành khách.
“Mỗi ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển bình quân gần 15 nghìn lượt hành khách. Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, gần đây số khách tham quan, trải nghiệm trên tuyến giảm. Tuy nhiên, khách “ruột” là những người đi làm, đi học bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng, từ 10% ban đầu lên hơn 20%. Dự kiến, con số này còn tăng cao khi học sinh, sinh viên đi học trở lại”, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) cho biết, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 6/11/2021. Sau hơn 2 tháng hoạt động, tuyến đường sắt đô thị số 2A đã được những kết quả nhất định, được người dân hưởng ứng sử dụng dịch vụ.
Hiện nay tuyến đường sắt đô thị 2A đang hoạt động trong giai đoạn 1 (6 tháng đầu sau khi nhận bàn giao) với 6 đoàn tàu, 215 lượt/ngày, thời gian hoạt động từ 5h30 đến 22h hàng ngày theo phương án đã được UBND Thành phố chấp thuận.
Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân vẫn có tâm lý hạn chế đi lại (đặc biệt những nơi công cộng), việc điều chỉnh giảm dịch vụ của tuyến đường sắt đô thị 2A trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 theo đề xuất của Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội là cần thiết, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động ngày càng hiệu quả xứng đáng là một trong những công trình tiêu biểu của Thủ đô, là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa, TP.Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch, phương án khai thác vận hành rất cụ thể và chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành khai thác tuyến) phải đảm bảo an toàn, chính xác, giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Đồng thời bảo trì phương tiện và hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy trình; Khẩn trương triển khai phương án kinh doanh dịch vụ nhằm tận dụng lợi thế thương mại và tăng tiện ích cho hành khách đi tàu.
Thêm tiện ích cho thuê xe đạp, xe máy
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công xây dựng ngày 10/10/2011. Đây là 1 trong 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án được Chính phủ, Bộ GTVT lựa chọn thí điểm đầu tư sớm nhằm cải thiện tình trạng giao thông khu vực phía Tây của Hà Nội. Sau nhiều lần trì hoãn, đến ngày 6/11/2021 dự án được đưa vào khai thác.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, để phục vụ người dân một cách tốt nhất, đơn vị đang xây dựng các phương án tiện ích như cho thuê xe đạp, xe máy và phối hợp triển khai dịch vụ xe công nghệ tại các dự án đường sắt đô thị.
Trước mắt, Metro Hà Nội sẽ triển khai với một số hãng xe công nghệ như Grab và Bee để tổ chức đưa đón khách với địa điểm phù hợp tại nhà ga.
Theo ông Trường, Metro Hà Nội đã xây dựng đề án dịch vụ tận dụng lợi thế thương mại, gia tăng giá trị tiện ích cho người dân trình UBND TP.Hà Nội. Song để triển khai phương án cần có sự thẩm định của cơ quan chuyên ngành như: Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Công Thương… và sẽ đấu thầu công khai rộng rãi.
Theo quy hoạch tới năm 2030, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có 9 tuyến với tổng chiều dài 410,8 km với hàng trăm nhà ga. Như vậy, trong tương lai, đây sẽ là loại hình phương tiện vận chuyển hành khách chủ lực của thành phố.
Việc đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi thói quen tham gia giao thông công cộng, giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian lưu thông cho người dân, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Lan Anh (T/h)