Dư nợ bị thiệt hại do bão Yagi khoảng 190.000 tỷ đồng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tại 26 tỉnh, thành, số dư nợ bị thiệt hại do bão Yagi khoảng 190.000 tỷ đồng.
Tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 11-16/11) sẽ diễn ra nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý, bắt đầu từ sáng 11/11, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là nội dung thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân. Với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn về: việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Mở đầu, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn Tuyên Quang, hỏi về chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng sau bão Yagi. Bà dẫn lại số liệu cho thấy, tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp, thủy sản khoảng 31.000 tỷ đồng.
Trả lời nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau khi bão Yagi xảy ra tác động nghiêm trọng tới người dân, doanh nghiệp tại 26 tỉnh, thành phố. Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp khảo sát, dư nợ chịu tác động bởi bão Yagi khoảng 12.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng rà soát khách hàng vay vốn, để xác định, đánh giá mức độ thiệt hại dư nợ vay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tại 26 tỉnh, thành, số dư nợ bị thiệt hại khoảng 190.000 tỷ đồng. Từ đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay và miễn, giảm lãi cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động.
Hệ thống ngân hàng tham gia các công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi khoảng 40.000 tỷ đồng. Tính tới 31/10, các ngân hàng đã cho vay mới theo chương trình ưu đãi khoảng 27.000 tỷ đồng, dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ. Các nhà băng cũng thực hiện mọi giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thôn chịu thiệt hại do bão Yagi.
Về vấn đề bình ổn và quản lý thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng của Việt Nam biến động phù hợp diễn biến chung thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Song bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và cũng khiến giá trong nước tăng theo.
Từ tháng 6/2024, giá vàng của quốc tế lập đỉnh. Lúc trước khi can thiệp, giá vàng dao động 2.300-2.400 USD/ounce. Việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao khiến Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành và tổ chức đấu thầu. Qua đấu thầu 9 phiên cho thấy đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013. Tuy nhiên là trong bối cảnh mới, tâm lý kỳ vọng của thị trường dâng lên cao.
Để thực hiện thu hẹp nhanh cái khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bán trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng của trong nước và quốc tế thì đang ở 15-18 triệu đồng một một lượng thì đến bây giờ chỉ còn ba đến bốn triệu đồng một lượng.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những cái diễn biến này để mà chúng tôi sẽ sẽ sẽ đưa ra các cái chính sách để ổn định thị trường vàng", bà nói
Bà Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.
Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Minh Thành