Quảng Nam: Phát triển du lịch sinh thái để giảm nghèo bền vững
Cách làm du lịch dựa vào cảnh quan tươi đẹp và văn hóa Cơ Tu để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng mà không làm mất đi bản sắc bản địa bước đầu thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam.
Cách làm du lịch dựa vào cảnh quan tươi đẹp và văn hóa Cơ Tu để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng mà không làm mất đi bản sắc bản địa bước đầu thu hút khách du lịch đến với Quảng Nam. Nhiều nơi đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Nhiều tiềm năng
Thiên nhiên đã ban tặng cho huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, đó là cảnh quan tươi đẹp, sinh động của sông, suối, rừng cây, sản vật bản địa. Điển hình là 2 xã Mà Cooih và Kà Dăng sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, quần thể hang động - thác - suối đẹp như tranh vẽ và hàng trăm loài thực vật được bảo tồn, lai tạo, thuận lợi cho phát triển chuỗi du lịch sinh thái và du lịch cộng cộng.
Làng ĐhRôồng, xã Tà Lu, huyện miền núi Đông Giang chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Từ khi mô hình du lịch cộng đồng ĐhRôồng đi vào hoạt động năm 2019, có 35 hộ tham gia với hơn 82 lao động làm việc thường xuyên. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu nơi đây chủ yếu nhờ vào làm rẫy, đời sống khó khăn. Từ khi tham làm du lịch cộng đồng, bà con có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Chị Briu Thị Hạnh, thành viên Tổ dệt thổ cẩm, làng du lịch cộng đồng ĐhRôồng cho biết, ngày trước, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, bây giờ phục vụ khách du lịch mua làm quà nên cuộc sống của bà con đã đổi thay.
Theo chị Briu Thị Hạnh, một tấm khố dệt bán ra thị trường có giá từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng, váy ngắn 500 nghìn đồng, tấm choàng đôi 1,2 triệu đồng. Ngoài tham gia tổ dệt thổ cẩm, chị Hạnh còn nằm trong đội ẩm thực và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch:
“Khách du lịch tới hỏi mua thì mình bán, ai cần váy áo họ đi vào nhà mình họ mua. Nhóm có 35 chị em. Ví dụ khăn choàng cổ mình bán 250.000 đồng cái. Sản phẩm này được công nhận là sản phẩm O.COP rồi, túi đựng điện thoại, túi đựng bút, nói chung nhiều sản phẩm.”-Chị Hạnh cho biết.
Ông Blinh Trao, Chủ tịch UBND xã Tà Lu cho rằng: Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng khách du lịch tới tham quan, trải nghiêm ngày càng nhiều.
Du khách lưu trú tại đây được thưởng thức các món ăn dân dã và tham gia sinh hoạt văn hoá cộng đồng với những nhạc cụ, vũ điệu dân gian của người Cơ Tu.
Ngoài ra, khách du lịch có dịp tìm hiểu nghề đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, nói lý, hát lý, múa cồng chiêng và trải nghiệm cảnh quan tươi đẹp. Theo ông Blinh Trao, nhờ làm du lịch, đời sống của đồng bào khấm khá hơn, không còn phụ thuộc vào việc đi rừng, đốt nương làm rẫy, nhờ vậy rừng được bảo vệ tốt hơn.
Hướng tới du lịch xanh, thân thiện môi trường
Ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang chia sẻ: Địa phương quyết tâm bảo tồn, phát huy yếu tố của làng nghề và chú trọng phát triển nghề thủ công, thế mạnh của huyện có giá trị kinh tế cao như dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ, sản phẩm mây tre đan, rượu cần…Huyện cũng hỗ trợ làng nghề thành lập HTX, liên kết với doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Huyện vận dụng các chính sách khuyến khích của nhà nước để hỗ trợ làng nghề và phục hồi những làng nghề truyền thống độc đáo, thành sản phẩm du lịch cộng đồng, hướng tới du lịch xanh thân thiện môi trường.
Miền núi Quảng Nam gồm 9 huyện, trải dài dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, với tổng diện tích hơn 783 nghìn ha, chiếm hơn 74% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor và nhiều dân tộc anh em khác. Đây là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức độc đáo. Dưới chân đại ngàn còn là vùng địa hình sinh thái đa dạng, hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đa dạng. Tiềm năng to lớn này đang từng bước được khai thác.
Đến nay, tỉnh Quảng Nam hiện có 35 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn, các huyện miền núi như khu du lịch cộng đồng như làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), làng văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng (huyện Đông Giang), làng văn hóa truyền thống Cơ Tu gắn với bảo vệ, phát triển rừng, phát triển du lịch bền vững tại làng văn hóa thôn Pơ’ning (xã Lăng)…
Kỳ vọng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng miền núi, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương rất chủ trọng phát triển du lịch miền núi. Hiện nay, tỉnh khuyến khích phát triển mô hình du lịch cộng đồng, những làng nghề du lịch và du lịch nông thôn. Có những chủ trương chỉ đạo các địa phương là phải hỗ trợ bằng nhiều cơ chế, chính sách cho du lịch cộng đồng ở nông thôn này. Gắn kết giữa Hội An và Mỹ Sơn và du lịch miền biển của Quảng Nam. Tin rằng với phát triển du lịch nông thôn có sự kết hợp giao thoa với nhau, đem lại giá trị cao cho cho chính những người làm du lịch cộng đồng ở vùng núi tỉnh Quảng Nam.
Võ Hà