Dự báo kịch bản nguy hiểm nhất của vùng áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Dự báo, vùng áp thấp trên Biển Đông có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong hôm nay (13/10). Hình thái này tác động với không khí lạnh và đới gió đông trên cao, tạo ra một tổ hợp hình thái đa thiên tai.
Mới đây, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, nên khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh.
Theo đó, cơ quan khí tượng dự báo về 2 kịch bản về ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. Nhận định ban đầu về đợt mưa lớn ở miền Trung khả năng xuất hiện từ đêm 13 đến hết ngày 16/10, các chuyên gia cho rằng, vùng áp thấp trên Biển Đông có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 13/10. Hình thái này tác động với không khí lạnh và đới gió đông trên cao, tạo ra một tổ hợp hình thái đa thiên tai.
Trong đó, kịch bản 1 (kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất) là từ đêm 13-16/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi trên 600mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở các khu vực cảnh báo mưa lớn trên, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Cấp 2.
Kịch bản 2 là kịch bản nguy hiểm nhưng khả năng xảy ra thấp hơn kịch bản 1. Với kịch bản này, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, di chuyển chậm hướng về miền Trung Việt Nam tĩnh lại, ít di chuyển, không khí lạnh mạnh, gió đông cũng mạnh. Do đó, thời gian mưa kéo dài hơn, cường độ mưa cũng lớn hơn, nó sẽ gây mưa lớn hơn và kéo dài hơn so với kịch bản 1 cho khu vực trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng cho biết, từ đêm 13-16/10 do ảnh hưởng của hoàn lưu lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to.
Tuy nhiên, đây là một tổ hợp hình thái đa thiên tai, nên một trong 3 yếu tố là áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh và gió Đông thay đổi thì diễn biến mưa, phân bố mưa, cường độ mưa sẽ thay đổi theo.
Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên phải khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua.
Triển khai lực lượng xung kích phòng chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người như trong những ngày vừa qua. Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão. Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.
Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng chống bão phù hợp tình hình, thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật, hoàn thiện và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm "4 tại chỗ".
Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Thứ năm, thông tin thông suốt, toàn diện, đầy đủ, hướng dẫn kịp thời để các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân chủ động ứng phó.
Thứ sáu, các địa phương đã phát huy tinh thần chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai.
Lan Anh