Dự án Vành đai 3 mức giá bù phải tiệm cận với giá thị trường
Theo các chuyên gia, việc xác định đơn giá cho một dự án lớn như Vành Đai 3 nên dựa vào nhiều phương pháp tính khác nhau, trên cơ sở tham khảo định giá của các cơ quan thẩm định độc lập, chứ không chỉ nên dựa vào hệ số điều chỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mới đây đã đưa ra mức giá đền bù dự kiến các loại đất thuộc dự án Vành Đai 3. Với mức đền bù thấp nhất đối với đất nông nghiệp từ 3-6 triệu đồng/m2; cao nhất là đất ở tùy khu vực có thể lên đến 40 triệu đồng/m2… Thực tế, đây mới chỉ là là giá tạm tính, còn đơn giá chính thức sẽ được chốt sau khi lấy ý kiến người dân, tham khảo giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Xác định đơn giá đền bù và nhận được sự đồng tình của người dân được xem là "điểm cốt lõi" quyết định sự thành công ban đầu của dự án Vành đai 3.
Đại diện Ban giao thông cho hay, theo quy trình, sau khi hội đồng đền bù thành phố phê duyệt mức giá, sẽ có 30 ngày công bố để người dân đóng góp ý kiến. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ đưa ra đơn giá cuối cùng, dựa trên nguyên tắc đơn giá đền bù phải tiệm cận với giá thị trường, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông TP.HCM cho biết: "Nắm thực chất cụ thể đến từng hộ dân, từng gia đình về nhu cầu tái định cư, nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, nhu cầu hỗ trợ, các chế độ chính sách để làm sao phương án đền bù nó phản ánh được cái điều này".
Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 qua địa bàn TP.HCM có tổng mức đầu tư sơ bộ gần 26.000 tỷ đồng, với khoảng 2.300 trường hợp bị ảnh hưởng. Hiện thành phố đã xác định có 4 khu vực để tái định cư cho hơn 600 hộ dân trên địa bàn.
Ông Lương Minh Phúc cho biết thêm: "Mỗi địa phương đều có khu tái định đảm bảo tiếp cận giao thông thuận lợi, các điều kiện về hạ tầng. Chúng tôi tin rằng việc bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ trở thành kiểu mẫu trong dự án Vành đai 3 cũng như là điều kiện để chúng ta đánh giá rút kinh nghiệm và áp dụng rộng rãi cho những dự án giao thông quy mô lớn hơn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới".
Việc xác định đơn giá cho một dự án lớn như Vành Đai 3 nên dựa vào nhiều phương pháp tính khác nhau, trên cơ sở tham khảo định giá của các cơ quan thẩm định độc lập, chứ không chỉ nên dựa vào hệ số điều chỉnh, theo các chuyên gia cho hay
Cùng với đó, để tạo sự đồng thuận, thành phố phải công khai minh bạch cách thức định giá để người dân, người có đất bị thu hồi có thể biết được và có ý kiến tham gia trong việc đưa ra giá đất cuối cùng.
TS. Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế Luật và Quản lý Nhà nước UEH, nhận định: "Người dân biết được giá đất của họ dựa trên những cơ sở nào. Nếu họ không đồng ý, họ có thể tham gia ý kiến và mình giải quyết một cách rốt ráo thì lúc đó sẽ hạn chế các khiếu nại tranh chấp liên quan đến đất đai".
Toàn bộ ranh giới dự án cho tới thời điểm này đã được bàn giao cho 4 địa phương. Công tác đo vẽ, kiểm đếm, kiểm tra pháp lý gần như hoàn thành 100% tiến độ.
Trong tháng 3/2023, dự kiến thành phố sẽ thu hồi khoảng 70% mặt bằng cho công tác thi công để đảm bảo khởi công dự án vào tháng 6, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2025.
Theo dự toán của các địa phương, giá bồi thường mỗi mét vuông đất ở tạm tính từ 18.720.000 đồng đến 40.190.000 đồng.
Giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đất trồng cây lâu năm từ 3.840.000 đồng đến 8.208.000 đồng/m2.
Giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đất trồng cây hàng năm từ 3.200.000 đồng đến 6.000.000 đồng/m2.
Dự kiến tuyến đường vành đai 3 sẽ được khởi công giữa năm 2023.