Thứ sáu, 22/11/2024 21:32 (GMT+7)
Thứ ba, 20/10/2020 09:14 (GMT+7)

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông: 'Nội soi' năng lực của các nhà thầu

Theo dõi KTMT trên

Triển khai hàng loạt dự án dang dở, nguy cơ bị thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất đai, thế nhưng nhiều “ông lớn” trong ngành Xây dựng như Vinaconex, Đèo cả, Cienco 4… vẫn ôm tham vọng trúng thầu thi công dự án cao tốc Bắc Nam.

Đề tựa:Vừa qua, Ban Quản lý dự án Thăng Long và Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã mở thầu 13 gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông và hiện đang gấp rút đánh giá hồ sơ dự thầu, hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công vào cuối năm 2020.

Đáng chú ý, trong số các nhà thầu trúng 3 gói thầu đầu tiên này có nhiều “ông lớn” ngành Xây dựng đang trong giai đoạn liên tục thua lỗ, thiếu vốn, triển khai dở dang nhiều dự án… Không ít liên danh dự thầu đang gặp khó khăn về tài chính.

Trên tinh thần đồng hành cùng quá trình lựa chọn nhà thầu cho đại dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông với giá trị hơn 22 nghìn tỉ đồng, Tòa soạn Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài: 'Nội soi' năng lực của các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, trúng thầu dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông để có góc nhìn đa chiều về năng lực của các nhà thầu. Tất cả vì mục tiêu triển khai dự án đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng chất lượng, tiến độ và giải ngân theo đúng kế hoạch, sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng yêu cầu và mục tiêu đề ra.

Kỳ 1:Yếu vốn, các 'ông lớn' vẫn tham vọng làm cao tốc Bắc Nam

Triển khai hàng loạt dự án dang dở, nguy cơ bị thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất đai, thế nhưng nhiều 'ông lớn' trong ngành Xây dựng như Vinaconex, Đèo cả, Cienco 4… vẫn ôm tham vọng trúng thầu thi công dự án cao tốc Bắc Nam với giá trị gói thầu hàng nghìn tỉ đồng trở lên.

Bắt đầu từ mục tiêu lớn

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, tháng 5/2020, Chính Phủ đã có tờ trình kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sang đầu tư công 100% vốn nhà nước thay vì đầu tư PPP.

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông: 'Nội soi' năng lực của các nhà thầu - Ảnh 1
Chuyển đổi hình thức đầu tư đối 3 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông sang đầu tư công 100% vốn nhà nước thay vì đầu tư PPP. Ảnh minh họa.

Trong tháng 6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 đồng ý bổ sung không quá 23.461 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư 3 dự án này.

Trải qua quá trình làm việc gấp rút, cuối tháng 9/2020, Bộ Giao thông vận tải đã chọn được nhà thầu thi công 3 gói thầu xây lắp đầu tiên thuộc các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông. Ngay trong tháng 9/2020, 3 dự án này đã đồng loạt khởi công vào ngày 30/9/2020.

Đáng chú ý, liên danh trúng thầu lộ diện những cái tên đang tồn tại nhiều vấn đề về mặt tài chính dẫn đến sự hoài nghi về năng lực thi công, ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn trong tình trạng bê trễ tiến độ dự án, thiếu vốn cũng góp mặt trong danh sách dự thầu.

Đơn cử, dù đang “đói vốn” triển khai dự án nhưng Vinaconex đã liên danh với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính trúng Gói thầu xây lắp số 3 - xây dựng đoạn Km47+672 - Km83, thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Hay dù đang lâm vào cảnh thua lỗ, Tập đoàn Đèo Cả vẫn góp mặt trong Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch - Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long dự thầu gói thầu số 12-XL dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45…

Giật mình “sức khỏe” các nhà thầu

Ấp ủ nhiều dự án bất động sản, thế nhưng Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) đang gặp vấn đề với dòng tiền, trong đó dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục bị âm, đạt hơn 1.000 tỉ đồng vào cuối quý I/2020, dòng tiền từ đầu tư tăng mạnh, đặt mức 783 tỉ, cao hơn 700 tỉ so với cùng kỳ năm 2019. Công ty có dòng tiền thu từ đi vay gần 1.120 tỉ thì phải trả nợ gốc vay đến 1.154 tỉ đồng. Những điều này khiến VCG trong tình thế cấp bách phải bù đắp dòng tiền từ thoái vốn tại một số khoản đầu tư. Hết quý II/2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn âm 58 tỉ đồng. Tình trạng này xuất hiện từ năm 2018 và kéo dài đến nay. 

Mặc dù công ty hiện làm ăn có lãi (lãi sau thuế quý II/2020 là 397 tỉ đồng), tuy nhiên nợ phải trả của Vinaconex tính đến ngày 30/6/2020 đã chiếm đến gần 57% tổng nguồn vốn, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu đạt mức 10.273 tỉ đồng. Trong khi đó, Vinaconex đang có 2 đại dự án cần phải triển khai ngay gồm Khu đô thị Du lịch Cái Giá – Cát Bà có tổng mức đầu tư 10.941 tỉ đồng và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort ven biển Tuy Hòa với tổng vốn đầu tư 2.105 tỉ đồng.

Với tình hình tài chính hiện tại, việc trúng gói thầu xây lắp số 3 - xây dựng đoạn Km47+672 - Km83, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có giá trúng thầu là 2.300 tỉ đồng khiến dư luận không khỏi nghi ngại cho số phận các dự án do Vinaconex làm chủ đầu tư.

Thực tế, ngay tại dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá, dù được đánh giá là dự án tốt và được triển khai từ năm 2009 nhưng do công ty trước đó nợ lớn, không nộp được tiền sử dụng đất khiến dự án bị bỏ dở và đến thời kỳ thu hồi. Mãi đến cuối năm 2019, bằng việc phát hành 3 triệu trái phiếu trị giá 300 tỉ đồng cho Tổng công ty mẹ Vinaconex thì Vinaconex – ICT mới có thêm vốn để nộp tiền sử dụng đất cho dự án, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất và bổ sung vốn lưu động thực hiện dự án.

Không chỉ riêng Vinaconex đang gặp vấn đề về tài chính mà nhiều “ông lớn” đang dự thầu cũng trong tình trạng tương tự, đơn cử như “vua đào hầm” Đèo Cả hay Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4…

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông: 'Nội soi' năng lực của các nhà thầu - Ảnh 2
Hầm đường bộ Đèo Cả - công trình giao thông trọng điểm Quốc gia, dự án để lại dấu ấn cho Tập đoàn Đèo Cả. Doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thua lỗ. Nguồn ảnh: deoca.vn. 

Trong khi áp lực trả nợ rất căng thẳng, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả gây chú ý khi liên danh với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Thạch và Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long tham gia dự thầu Gói thầu gói thầu số 12-XL Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có giá trị lên đến 1.477 tỉ đồng.

Tình hình của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 (ICON4, mã CK: C4G) cũng không khá khẩm hơn khi doanh thu và lợi nhuận liên tục lao dốc trong nhiều năm qua, khó khăn về nguồn vốn đè nặng lên doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 7.000 tỉ đồng này.

Trong khi đó, số phận dang dở vốn đã bộc lộ khá rõ nét trong quá trình ICON 4 triển khai dự án. Đơn cử như tại dự án trọng điểm "Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu", do những giới hạn về nguồn lực khiến C4G mới đây đã thông qua chủ trương liên danh với CTCP Đầu tư xây dựng NHS (NHS) để phát triển dự án này, song ICON4 chỉ góp 5% vốn. Hay tại dự án Khu du lịch hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Thanh Chương, Nghệ An) do Công ty Cổ phần Green Tea Islands thuộc Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư đã bị đề nghị thu hồi do không thực hiện đúng tiến độ.

Như vậy, trong tình trạng kinh doanh không mấy khả quan với những khó khăn hiện hữu về dòng tiền, liệu Vinaconex có thể đủ năng lực tài chính để thi công gói thầu lớn sau khi trúng thầu? Những nhà thầu đang dự thầu như Đèo Cả, Cienco 4, CC1 có thể được chấm trúng thầu hay không?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Khang Anh

Bạn đang đọc bài viết Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông: 'Nội soi' năng lực của các nhà thầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới