ĐTM hồ Ka Pét được thông qua sẽ giải nhiều bài toán phát triển kinh tế, xã hội
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Hoàng Ngọc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh bày tỏ vui mừng khi ĐTM dự án hồ Ka Pét được thông qua. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ xã Mỹ Thạnh mà còn cả các xã bạn trong huyện.
"Mừng lắm!", Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), ông Hoàng Ngọc Tưởng nói như reo lên với phóng viên khi được hỏi về việc ĐTM dự án hồ Ka Pét được thông qua.
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam là dự án quan trọng Quốc gia được Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư năm 2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tháng 6/2023. Quy mô của dự án gồm: Hồ điều tiết dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích là 47,41 triệu m3; hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 874 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 519,9 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,2 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh…
Với những mục tiêu lớn đó, lý giải vì sao ông Hoàng Ngọc Tưởng lại bày tỏ sự vui mừng như thế khi ĐTM của dự án được thông qua. “Thao thức cả đêm khi biết tin ĐTM của dự án được thông qua” – ông Tưởng bày tỏ.
Trao đổi kỹ hơn với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Tưởng cho biết, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án hồ chứa nước Ka Pét là một trong những khâu khó nhất để dự án này được thông qua. Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua hội đồng thẩm định với 22 thành viên đã tổ chức thẩm định ĐTM của dự án, với kết quả: Thông qua báo cáo không cần chỉnh sửa, bổ sung là 1/22 phiếu; thông qua báo cáo nhưng yêu cầu cần phải chỉnh sửa, bổ sung là 11/22 phiếu; không thông qua báo cáo là 10/22 phiếu. Do đó, hội đồng thẩm định chưa thông qua báo cáo ĐTM của dự án hồ chứa nước Ka Pét. Vì thế, các sở, ngành và địa phương ở tỉnh đã dốc lực tập trung, gấp rút rà soát, bổ sung thông tin để chủ đầu tư chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ ĐTM của dự án. Song song đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ Ka Pét cũng phải tiếp tục cập nhật lại các số liệu theo nội dung cuộc họp ngày 25/7/2024 tại Cục Quản lý xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục QLXD). Theo đó, Cục QLXD có yêu cầu cần phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ và trình lại để tổ chức thẩm định. Để đảm bảo chất lượng hồ sơ cần phải rà soát kỹ các ý kiến góp ý của các chuyên gia tại cuộc họp. Cuối cùng, ngày 07/8/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận hồ sơ ĐTM với thời hạn trả kết quả vào ngày 23/9/2024. Tuy nhiên, ngày 11/9/2024, ĐTM dự án hồ Ka Pét đã được Hội đồng thẩm định thông qua sớm hơn.
Nói tiếp về những lợi ích mà dự án hồ chứa nước Ka Pét mang lại, ông Hoàng Ngọc Tưởng cho biết, hiện nay đời sống của bà con nhân dân các dân tộc tại Mỹ Thạnh và một số xã xung quanh còn rất khó khăn. Cách trung tâm thành phố Phan Thiết hơn 40km về phía Tây, xã Mỹ Thạnh là địa bàn sinh sống chủ yếu của bà con Ra Glai (Rai) và Chăm. Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt luôn là vấn đề trăn trở của chính quyền nơi đây. Những đàn trâu bò của bà con chăn thả trong rừng nhiều khi thiếu nước dẫn đến suy kiệt, chết, chính quyền phải thông báo người dân tới đưa về. Những cây bắp trổ bông nhưng thiếu nước nên khô cháy, ảnh hưởng tới thu nhập của bà con rất lớn.
Ông Hoàng Ngọc Tưởng chia sẻ: “Khi dự án hồ Ka Pét được xây dựng và hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp không chỉ của địa phương mà còn của các xã bạn”. Ngoài ra, theo Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh, cấp ủy địa phương luôn mong muốn đời sống của nhân dân sẽ dần thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác, tiến tới đời sống phát triển mạnh mẽ hơn, và hồ Ka Pét sẽ là một trong những động lực, tiền đề để hiện thực hóa mong muốn đó.
Nói về tương lai khi dự án hồ Ka Pét được hoàn thành, vị bí thư xã Mỹ Thạnh cho biết, địa phương có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ. Đồng thời, sẽ hướng dẫn bà con nuôi trồng thủy sản, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Hoàng Ngọc Tưởng nói như đúc kết quá trình đầu tư, xây dựng hồ Ka Pét 2 năm qua: “Một số người không sống ở Mỹ Thạnh, Hàm Cần nên không biết gì về cuộc sống mùa khô bị thiếu nước ở đây cực khổ đến thế nào nên có phản ứng gây lạ trên mạng xã hội. Chứ người dân ở đây, ai cũng muốn sớm có nước từ hồ Ka Pét về để sản xuất. Vì làm nông nghiệp mà không có nước thì làm sao có cuộc sống no đủ? Thế nên, khi nghe ĐTM dự án hồ Ka Pét được thông qua, dân vui lắm!”
Minh Thành