Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Bình Thuận
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).
Cụ thể Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan của Quốc hội chậm nhất trong ngày 6/4.
Trước đó UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT. Sở NN&PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát, đăng ký diện tích thực hiện trồng rừng thay thế và được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra thực tế xác định được tổng diện tích phải thực hiện trồng rừng thay thế cho dự án là 1.845 ha.
Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn tồn đọng do đó tỉnh Bình Thuận cũng phải tổ chức rà soát lại diện tích đất để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định. Tiến độ triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận được đánh giá là chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân được đưa ra là tỉnh phải thận trọng cân nhắc, rà soát lại quy mô đầu tư dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Ngoài ra có nguyên nhân chủ quan là sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư, sự phối hợp chưa tốt của các sở, ngành, địa phương có liên quan và sự chỉ đạo chưa thật sự hiệu quả của UBND tỉnh Bình Thuận”, báo cáo nêu.
UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường để sớm đủ điều kiện phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.
Đối với công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã thực hiện từ ngày 23/2/2024, trình Bộ TN&MT trước ngày 10/4/2024 và dự kiến kết thúc 30/5/2024.
Công tác hoàn thiện các thủ tục hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, đã thực hiện từ ngày 25/6/2023, dự kiến trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định ngày 30/4/2024 và kết thúc 6/6/2024.
Dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội quyết định và bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2020 và Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023. Đây là dự án quan trọng được cấp quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, chủ quản đầu tư là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, đơn vị quản lý điều hành dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh.
Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ Wtb = 51,21 triệu m3, tổng mức đầu tư của dự án là 874,089 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Dung tích hồ chứa hơn 51 triệu m3, với tổng vốn đầu tư 874 tỷ đồng. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680 ha.
Cụ thể, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55ha; rừng phòng hộ là 0,91ha; rừng sản xuất là 471,09 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9ha. Toàn bộ khu rừng thuộc sự quản lý của 3 đơn vị gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét.
Toàn tỉnh Bình Thuận có 49 hồ chứa nước, chưa kể hồ Ka Pét chuẩn bị được xây dựng với tổng dung lượng thiết kế 442 triệu m3 như hồ chứa nước Sông Dinh, Sông Quao, Sông Lũy, Sông Lòng Sông và hồ Cà Giây... Trước đây Bình Thuận được biết tới là tỉnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trầm trọng. Tuy nhiên nhờ những hồ thuỷ lợi trên, khả năng tưới tiêu đất nông nghiệp đã được cải thiện.
Toàn tỉnh Bình Thuận có 49 hồ chứa nước, chưa kể hồ Ka Pét chuẩn bị được xây dựng với tổng dung lượng thiết kế 442 triệu m3 như hồ chứa nước Sông Dinh, Sông Quao, Sông Lũy, Sông Lòng Sông và hồ Cà Giây... Trước đây Bình Thuận được biết tới là tỉnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trầm trọng. Tuy nhiên nhờ những hồ thuỷ lợi trên, khả năng tưới tiêu đất nông nghiệp đã được cải thiện.
Kim Ngân