Thứ sáu, 22/11/2024 16:12 (GMT+7)
Thứ hai, 04/07/2022 10:55 (GMT+7)

Đốt rác phát điện ở Hà Nội: Mừng – Lo - Hy vọng

Theo dõi KTMT trên

Những ngày này, nhiều người dân cả nước, đặc biệt là người dân Hà Nội rất quan tâm tới thông tin về xây dựng các nhà máy đốt rác/chất thải rắn (CTR) phát điện (nhà máy điện rác) ở Hà Nội.

Mới đây, ngày 5/4/2022 báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có bài: “Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn không thể chậm thêm” [1] cho biết, tình trạng hiện nay của nhà máy điện rác lớn của Hà Nội. Qua bài báo này cho thấy:

-Nhà máy Điện rác Sóc Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn được UBND TP.Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 17,51ha từ cuối năm 2017. Dự án được khởi công từ tháng 8/2019 do Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là chủ đầu tư, tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện.

-Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ, đáp ứng nhu cầu về xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay của TP.Hà Nội. Nhà máy xây dựng có công suất 4.000 tấn rác khô (khoảng 5.500 tấn rác ướt)/ngày - đêm cùng các công trình phụ trợ, công trình cơ sở hạ tầng đồng bộ với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

-Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn. Đến nay, các công trình, thiết bị thuộc giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và sẵn sàng đi vào vận hành thử nghiệm giai đoạn 1, công suất 800 tấn/ngày - đêm. Giai đoạn 2, dự kiến ngày 30/4/2022 hoàn thành lò hơi số 2; giai đoạn 3, lò đốt số 1, 5 thiết bị chính hoàn thành lắp đặt 100%, đang triển khai lắp đặt đồng bộ, dự kiến ngày 30/5/2022 hoàn thành [1].

Đốt rác phát điện ở Hà Nội: Mừng – Lo - Hy vọng - Ảnh 1
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng.

Ngày 30/3/2022, nhiều tạp chí điện tử đã đăng thông tin về một nhà máy điện rác khác cũng đã được khởi công tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội (sau đây gọi là Nhà máy điện rác Sơn Tây). Báo Dân Trí điện tử dẫn lời Ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, Nhà máy điện rác Seraphin là một trong những dự án quan trọng của TP.Hà Nội, có công suất xử lý 1.500 tấn rác khô/ngày, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Đây là dự án nhà máy điện rác thứ hai của Hà Nội, đốt để giảm thể tích phải chôn lấp từ 100% xuống 3%.

Dưới đây xin nêu một số suy nghĩ của tôi nề xây dựng và vận hành hai nhà máy điện rác này với cảm xúc: mừng, lo và hy vọng.

Mừng

Những người sống ở Hà Nội lâu năm chắc còn nhớ không ít lần tồn đọng rác ở Hà Nội do không vận chuyển đến bãi xử lý với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân ngăn cản của cư dân quanh bãi rác do tác động có hại của chúng gây ra cho bà con. Những nghiên cứu khoa học và những phản ánh của các cơ quan truyền thông gần đây nhất cũng đã cảnh báo diện tích dành cho các bãi rác rất hạn chế, một số bãi rác đã gần đầy, không còn nhiều chỗ nhận thêm rác. 

Vì vậy, việc xây các nhà máy điện rác với các công suất lớn ở Sóc Sơn, Sơn Tây sẽ xử lý về cơ bản lượng rác thải đô thị của Hà Nội (trừ rác nguy hại). Ngoài xử lý rác, các nhà máy này còn cung cấp lượng điện năng khá lớn, 3 lò đốt vận hành ban đầu đã có công suất phát điện là 75MW. Như vậy là có được đồng lợi ích cho việc đốt (xử lý) rác để phát điện.

Nếu mọi vấn đề sớm được giải quyết để Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoạt động hết công suất trong năm 2022 thì đã xử lý được tới khoảng 70% lượng rác phát sinh ở Hà Nội và khi Nhà máy điện rác Sơn Tây đi vào hoạt động thì sẽ xử lý hầu hết lượng rác còn lại. Đây là điều mọi người mong đợi và thực sự là điều đáng mừng cho cư dân Hà Nội trong thời gian tới.

Lo    

Tôi xin trình bày một vài điểm đáng lo trong quá trình hoạt động của các nhà máy điện rác trên quan điểm của một cư dân và của một nhà khoa học.

Trước hết, trong quá trình hoạt động, nhà máy điện rác cũng tiềm ẩn phát sinh nhiều tác động bất lợi đến môi trường nói chung và cuộc sống, sức khỏe con người nói riêng. Một trong những điều đáng lo ngại nhất là khả năng phát sinh, phát thải các chất có tính độc hại rất cao là dioxin và furan. Theo nhiều nghiên cứu, Dioxin là sản phẩm phụ của nhiều quy trình sản xuất chất hóa học công nghiệp liên quan đến chlor như các hệ thống đốt chất thảisản xuất hóa chất và thuốc trừ sâudây chuyền tẩy trắng trong sản xuất giấy. Dioxin là chất có thể gây nhiều tác hại đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trên thế giới đã có những vụ thảm họa sinh thái do dioxin gây ra. Theo Wikipedia tiếng Việt [2], ngoài chiến tranh Việt Nam, dioxin trong chất độc màu da cam gây nên thảm hoạ sinh thái ở Seveso (Ý), và Times Beach (Missouri), Love Canal (New York),... Nhưng bị nhiễm nặng nhất và lâu dài nhất vẫn là ở miền Nam Việt Nam, nơi bị Mỹ rải chất độc da cam suốt 10 năm. Vì vậy, khi nói đến khả năng phát thải dioxin từ đốt rác nói chung và đốt rác phát điện nói riêng, cư dân vùng chịu ảnh hưởng rất quan tâm và yêu cầu được làm rõ mức phát thải và tác hại có thể xảy ra.

Thật ra, đốt rác được coi là giải pháp làm giảm đến mức tối đa khối lượng, thể tích rác thải nên đã được áp dụng rất nhiều trong những năm cuối thế kỷ XX. Nhưng rồi, các nhà khoa học đã phát hiện khả năng phát sinh, phát thải dioxin từ đốt rác trong các buồng đốt không đủ điều kiện nhiệt độ đã buộc nhân loại phải xem xét lại vấn đề này. Thành phần của dioxin trong khói thải ra khỏi buồng đốt của lò đốt nằm trong khoảng từ 1 đến 500 ng TEQ Nm-3. Do đó, điều quan trọng là phải xử lý khí thải để giảm nồng độ của nó đến giới hạn chấp nhận được (0,1 ng TEQ Nm-3) trước khi thải ra môi trường. Trong bối cảnh đó, giám sát không khí xung quanh là vấn đề cần thiết để ước tính lượng phát thải các chất ô nhiễm như dioxin và thủy ngân.

Ngay ở nước Pháp, một nước có nền khoa học, công nghệ tiên tiến, vẫn có những nhà máy đốt rác thải mức dioxin cao. Theo [3], năm 1998, Bộ Môi trường Pháp tiết lộ rằng lượng khí thải dioxin từ lò đốt chất thải rắn đô thị tại Besançon (Pháp) là 16,3 ng TEQ Nm-3, các nghiên cứu tiếp sau đã kiểm tra chi tiết bản chất của ô nhiễm đất dioxin ở khu vực xung quanh lò đốt Besançon để xác định xem liệu có nguồn phát thải tiềm năng khác có thể gây ra sự hiện diện của dioxin trong đất hay không. Quá trình lựa chọn địa điểm lấy mẫu, sự tương đồng cao trong các cấu tử đồng loại, và sự vắng mặt của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm khác trong khu vực đã dẫn đến kết luận rằng sự hiện diện của dioxin trong khu vực chỉ là do lò đốt CTR đô thị.

Cũng theo [3], Pháp đã đưa ra tiêu chuẩn dioxin là 2 ng TEQ Nm-3 vào năm 1991 và tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn là 0,1 ng TEQ Nm-3 vào năm 2002, tức là muộn hơn vài năm so với các quốc gia miền bắc châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Do muộn như vậy nên năm 2001, các lò đốt rác đô thị (MSW) của Pháp thải ra tổng cộng 150 g TEQ dioxin. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiêu chuẩn 2 ng TEQ Nm-3 có hiệu lực từ năm 1991 đến năm 2002, thấp hơn khoảng 50 lần so với nồng độ dioxin trong khí thải lò đốt trước khi sử dụng của phương pháp xử lý như phun than hoạt tính và các công nghệ kiểm soát khí hiện đại khác (theo ước tính của các tác giả vào khoảng 100 ng/Nm3). Thống kê nồng độ phát thải dioxin trung bình của tất cả 124 lò đốt trong nghiên cứu đã được tính toán cho giai đoạn 2003 - 2008, kết quả cho thấy chúng đều giảm nhanh chóng sau khi tiêu chuẩn mới mới được áp dụng từ năm 2002. Như vậy, con người có thể kiểm soát được phát thải dioxin từ lò đốt rác đô thị. Vấn đề làm thế nào để kiểm soát được tuân thủ của các cơ sở, nhà máy này để không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Ngoài phát thải dioxin, furan, các nhà máy điện rác còn tiềm ẩn nhiều tác động môi trường khác, phải được chỉ ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nên khi có tài liệu này chúng ta sẽ hình dung được mức phát thải, hệ thống xử lý và hệ thống kiểm soát của từng nhà máy. Một số cảnh báo về khả năng tác động nhiều mặt của đốt rác nói chung và đốt rác phát điện nói riêng cũng đã được đề cập trong nhiều bài viết đăng tải trên nhiều tạp chí điện tử, cả bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

Một nỗi lo khác có vẻ “vu vơ” thôi nhưng vẫn thôi thúc tôi phải viết ra, đó là khi xảy ra sự cố gì đó (điều không ai, kể cả nhà máy mong muốn) mà Nhà máy điện rác Sóc Sơn phải dừng hoạt động trong khoảng thời gian khá dài thì liệu rác thải có bị ùn ứ ở Hà Nội không?. Có lẽ câu hỏi này cũng phải đặt ra để các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn các phương án giải quyết. Tôi không rõ vấn đề thu gom, vận chuyển rác đô thị trong thời gian tới sẽ do nhà máy chủ động thực hiện hay vẫn do các tổ chức khác đảm trách và bên cạnh đốt rác phát điện có còn chôn lấp nữa không, ở mức độ nào. Liệu có xảy ra xung đột lợi ích trong xử lý rác hay không? cũng cần làm rõ, nếu không, khi nó xảy ra sẽ rất khó giải quyết.

Rác sinh hoạt của Hà Nội vẫn chưa được phân loại triệt để, không biết có ảnh hưởng tới quá trình đốt phát điện không và nhà máy đã có phương án giải quyết chưa cũng là điểm đáng lo. Bởi vì chất lượng rác, đặc trưng bởi hàm lượng carbon, hàm lượng ẩm, độ tro,… sẽ không chỉ quyết định hiệu quả đốt mà còn quyết định mức phát sinh, phát thải chất ô nhiễm.

Hy vọng

Đốt rác thải phát điện còn rất mới ở Việt Nam. Với nhà máy điện rác công suất lớn như Sóc Sơn có thể tiềm ẩn nhiều tác động, thậm chí sự cố môi trường cần được làm rõ. Vấn đề là cư dân có thể hy vọng được về mức tác động thấp nhất có thể hay không khi nhà máy này đi vào hoạt động.

Nhà máy Sóc Sơn chắc chắn phải lập báo cáo ĐTM và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chúng ta có thể hy vọng báo cáo này được lập công phu bởi những chuyên gia giỏi, chỉ rõ nhứng tác động (cả lợi và hại), chỉ rõ mức hiện đại của công nghệ sản xuất, chỉ rõ mức phát thải (trong đó có phát thải dioxin, furan) chất ô nhiễm, chỉ rõ hệ thống xử lý chất thải, hệ thống kiểm soát chất lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn để mọi người có thể biết, kiểm tra và tin tưởng vào kết quả mong đợi của hoạt động đốt rác phát điện, vừa xử lý được khối lượng lớn rác đô thị, vừa phát ra nguồn điện năng lớn.

Để có thể tăng thêm hy vọng, dưới đây xin nêu một số vấn đề cần thực hiện.

Công khai báo cáo ĐTM của các nhà máy điện rác, đặc biệt là Nhà máy Sóc Sơn. Chúng tôi hoan nghênh Công ty Thiên Ý đã công khai số điện thoại, tài khoản e-mail  địa chỉ để công đồng có thể góp ý cho hoạt động Nhà máy điện rác Sóc Sơn [4]. Tuy nhiên khi chúng tôi yêu cầu cung cấp báo cáo ĐTM của Nhà máy thì không được phản hồi. Tôi mong Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp, công khai báo cáo ĐTM để cộng đồng rõ hơn về các tác động có thể xảy ra. Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận về việc công khai, minh bạch các tài liệu, số liệu (trừ một số mang tính bí mật quốc gia) và cho rằng công khai minh bạch có thể giảm được nhiều vụ việc, sự cố đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Thật ra, theo pháp luật hiện hành thì báo cáo ĐTM của Nhà máy điện rác Sóc Sơn thuộc loại phải công khai minh bạch và phải cung cấp tài liệu này cho những ai quan tâm. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rất rõ trong điều 37 mục 5 như sau:

“5. Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 114 của Luật này, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Diều 114, mục 1, điểm c cũng quy định:

“c) Thông tin về quyết định phê duyệt kết quả thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ bí mật thương mại, bí mật kinh doanh, thông tin thuộc bí mật nhà nước; nội dung cấp phép, đăng ký, chứng nhận, xác nhận; kết quả kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định;”

Vậy nên, qua bài viết này chúng tôi mong muốn Nhà máy điện rác Sóc Sơn, các cơ quan quản lý có liên quan và bạn đọc (nếu có) cho biết cách tiếp cận báo cáo ĐTM của nhà máy này.

Lãnh đạo Nhà máy là những người hiểu rất rõ về nhà máy mình, cả về hoạt động, cả về khả năng thu hiệu quả cao về kinh tế, cả khả năng gây tác động môi trường, khả năng xảy ra sự cố. Vì vậy, chúng tôi hy vọng lãnh đạo Nhà máy điện rác Sóc Sơn theo sát các công đoạn sản xuất, theo sát các công đoạn xử lý chất thải, theo sát các hoạt động kiểm soát nhiệt độ lò đốt, nhiệt độ hệ thống làm mát khí thải để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng phát sinh chất độc hại như dioxin, furan. Khi có dấu hiệu không đảm bảo của hệ thống kiểm soát hoạt động sản xuất, hệ thống hoạt động xử lý chất thải, hệ thống quan trắc khí thải thì phải khắc phục ngay và khi cần phải dừng sản xuất để xử lý, khắc phục. Đặc biệt, lãnh đạo và cán bộ Nhà máy phải nắm vững và tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường có liên quan và tuân thủ những cam kết trong báo cáo ĐTM và có các giải pháp công khai số liệu phát thải chất ô nhiễm ra môi trường.

Các cơ quan quản lý môi trường có liên quan đến hoạt động Nhà máy điện rác Sóc Sơn phải có kế hoạch theo dõi kiểm soát tốt các hệ thống. Hiện nay, Nhà máy đang trong giai đoạn vận hành thử toàn bộ hệ thống sản xuất, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống kiểm soát nhiệt độ,… nên các cơ quan chức năng phải vào cuộc, huy động thêm những nhà khoa học, cán bộ chuyên môn tay nghề cao để cùng kiểm tra toàn bộ hệ thống, nhanh chóng phát hiện những hạn chế, trục trặc để tìm cách chỉnh sửa, khắc phục. Đây là thời điểm rất nhạy cảm nên cơ quan quản lý phải ráo riết vào cuộc để tránh những sự cố tồi tệ có thể xảy ra mà sự cố Formosa là ví dụ buồn, cần rút kinh nghiệm.

Trong quá trình hoạt động của Nhà máy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch liên tục theo dõi, giám sát các hoạt động của Nhà máy, tập trung vào nhiệt độ buồng đốt, quá trình làm lạnh khí thải, số liệu quan trắc nồng độ chất thải để yêu cầu điều chỉnh khi cần và liên tục cập nhật trên các phương tiện đại chúng để mọi người có thể nắm bắt. Bây giờ là thời đại công nghiệp 4.0, là thời đại số hóa trong nhiều khâu nên công việc này không khó để thực hiện.

Khi đang viết bài này tôi chợt nghe thông tin trên TV về ùn ứ rác thải ở nội thành Hà Nội. Tôi vội nhìn lên và nhận ra chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV1, từ 18h30 đến 19h00 ngày 17/6/2022. Chương trình có nhắc đến nguyên nhân là Nhà máy điện rác Sóc Sơn vẫn chậm tiến độ chưa nhận rác để đốt phát điện. Rất may là hoạt động của các khu chôn lấp rác của Hà Nội vẫn hoạt động nên có thể nhanh chóng giải quyết nhưng về sau, khi mà các bãi rác hoạt động ở mức thấp hoặc dừng hoạt động thì khó giải quyết hơn nhiều.

Mừng, lo, hy vọng là điều thường tình nhưng làm sao để những lo lắng nêu trên không xảy ra, những điều mừng luôn hiện hữu và những hy vọng sẽ trở thành sự thực. Dù sao thì vẫn phải chờ và thời gian sẽ trả lời.

Tài liệu tham khảo

[1]. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 05/4/2002, Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn không thể chậm thêm.

https://dangcongsan.vn/xa-hoi/du-an-nha-may-dien-rac-soc-son-khong-the-cham-them-607471.html

[2]. Dioxin

https://vi.wikipedia.org/wiki/Dioxin

 [3]. Ange Nzihou, Nickolas J. Themelis, Mohammed Kemiha, yohan Benhamou, 2019, Dioxin emissions from municipal solid waste incinerators (MSWIs) in France

https://hal.archives-ouvertes.fr/hal-01632399/document

[4]. VNEEC, ngày 15-5-2022, Thông báo về việc tiếp tục tiếp nhận ý kiến cộng đồng cho Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

https://eec.vn/thong-bao-ve-viec-tiep-tuc-tiep-nhan-y-kien-cong-dong-cho-du-an-nha-may-dien-rac-soc-son/

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Đốt rác phát điện ở Hà Nội: Mừng – Lo - Hy vọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới