Đồng Nai: Từ cam kết đến hành động, hướng tới mục tiêu Net Zero
Ngày 2/8 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND để triển khai Đề án giảm thiểu khí carbon đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Đề án giảm thiểu khí carbon đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là bước đi quan trọng trong hành trình của tỉnh Đồng Nai hướng tới mục tiêu Net Zero – trạng thái cân bằng giữa lượng khí carbon thải ra và lượng khí carbon được hấp thụ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Đề án giảm thiểu khí carbon của tỉnh Đồng Nai đặt ra mục tiêu đầy tham vọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu giảm phát thải khí carbon xuống 20% vào năm 2030, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong hành trình giảm thiểu tác động của khí thải đối với môi trường. Đến năm 2035, tỉnh tiếp tục phấn đấu giảm phát thải thêm 45%, qua đó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc cắt giảm khí thải và cải thiện chất lượng không khí. Chiến lược đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, qua đó thực hiện cam kết toàn cầu về bảo vệ khí hậu và hướng tới một tương lai bền vững.
Sau nửa năm triển khai Đề án, nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai. Tỉnh Đồng Nai đã khởi động các hoạt động cụ thể để thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Ông Trần Vũ Hoài Hạ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết nội dung chính của Đề án đã được tuyên truyền rộng rãi tới các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Hiện tại, dự thảo kế hoạch thực hiện hợp phần đầu tiên của Đề án – Nghiên cứu thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở TN&MT - Ông Trần Trọng Toàn cho biết Sở đã phối hợp với các đơn vị để rà soát quy định liên quan đến giảm phát thải trong các ngành nghề ưu tiên của hợp phần 1. Một số lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp và xây dựng hiện chưa có quy định cụ thể về giảm phát thải, do đó các sở, ngành đang tham mưu UBND tỉnh hoặc kiến nghị Trung ương ban hành định mức kỹ thuật về giảm phát thải cho các ngành này. Đồng thời, Sở cũng đã chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín để xây dựng đề cương chi tiết và dự toán kinh phí thực hiện cho từng giai đoạn của Đề án. Các hoạt động này nhằm đảm bảo việc triển khai Đề án được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất.
Song song đó, Ông Thái Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết Sở đã triển khai nhiều kế hoạch giảm phát thải bao gồm sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như điều tra và thống kê mức phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Các biện pháp này nhằm giảm thiểu tác động của khí thải trong lĩnh vực công nghiệp, một trong những nguồn phát thải lớn nhất.
Liên quan đến lĩnh vực này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển thị trường carbon, một công cụ hữu hiệu để khuyến khích các tổ chức và cá nhân giảm phát thải. "Chúng ta phải bám sát COP 26. Thắng lợi hay không thì chúng ta chưa thể đánh giá được. Điều chúng ta cần chú ý ở đây là cam kết Net Zero, có nghĩa là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển. Tuy nhiên việc tính ra lượng khí thải như thế nào, có tính được lượng khí thải ra môi trường hay không. Do vậy, việc phát triển thị trường carbon không chỉ là xu thế, mà còn là cơ hội để hướng tới Net Zero vào năm 2050 và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp", chuyên gia chia sẻ.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách, việc hướng tới mục tiêu Net Zero đã trở thành một ưu tiên hàng đầu. Với những nỗ lực không ngừng, Đồng Nai đang tích cực chuyển từ cam kết sang hành động để hướng tới mục tiêu Net Zero. Những bước đi cụ thể trong việc triển khai Đề án giảm thiểu khí carbon, cùng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ và các cơ chế khuyến khích, sẽ giúp tỉnh đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Hồng Gấm