Đồng Nai: Dừng khai thác giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ
Để thực hiện mục tiêu cung cấp nước sạch trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ dừng khai thác giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ trên toàn địa bàn.
Nhanh chóng cung cấp nước sạch cho người dân
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng vừa có kết luận về việc thực hiện xây dựng Đề án cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2021.
Theo đó, ông Dũng chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, thống nhất ý kiến, tham mưu đề xuất UBND tỉnh thực hiện dừng khai thác giếng khoan tự phát, nhỏ lẻ (giếng cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất) trên địa bàn.
Trong đó, mỗi huyện, thành phố đề xuất 1 xã (phường) để thực hiện thí điểm bắt buộc trước khi triển khai trên toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai rà soát 81 công trình cấp nước sạch đã đầu tư, tính toán chi phí duy trì, nâng cấp đạt chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT, thống nhất ý kiến, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định trong tháng 8/2021.
Đồng thời, ông Dũng cũng lưu ý, Đề án cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 phải bổ sung thêm giải pháp vay vốn ưu đãi, thu hút đầu tư xây dựng các dự án cung cấp nước sạch cho từng khu vực cấp nước trên địa bàn tỉnh để người dân nhanh chóng có điều kiện sử dụng nước sạch.
Lượng nước ngầm ngày càng suy giảm
Trước đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Đình Minh cho biết, hiện nay, các công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động chỉ hơn 50% công suất.
Nguyên nhân một phần là do người dân dùng nước giếng khoan. Số lượng hộ gia đình đăng ký sử dụng nước sạch thấp, một số nơi chỉ dùng nước máy vào mùa khô, khi giếng khoan hết nước. Đây là lý do khiến các dự án cấp nước sạch nông thôn khó kêu gọi nhà đầu tư, chậm triển khai, trong khi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm.
Trong khi đó, phía Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho rằng, công tác quản lý khai thác nguồn nước ngầm hiện nay còn bất cập. Luật Tài nguyên nước năm 2012 quy định, các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm từ 10 m3/ngày trở lên phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép nhưng trên thực tế phần lớn giếng khoan nhỏ lẻ, giếng khoan của hộ gia đình vẫn theo dạng tự khoan. Tại các công trình khai thác nước dưới đất không có vùng bảo vệ (vùng phòng hộ vệ sinh).
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai), hoạt động khai thác nước ngầm cho mục đích sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Giai đoạn năm 2019 - 2020, mực nước ngầm giảm do lượng mưa ít và phân bố tập trung.
Tại một số địa phương thuộc các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom và TP.Biên Hòa kết quả quan trắc trữ lượng nước ngầm sụt giảm vào mùa khô, mức độ sụt giảm tăng nhẹ qua các năm. Cùng với đó, các thành phần đánh giá chất lượng nước như: Fe, pH, acid dao động, một số vượt tiêu chuẩn cho phép cần tiếp tục theo dõi và có biện pháp khắc phục.
Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ môi trường, trữ lượng nước ngầm đáp ứng được nhu cầu của người dân ở hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên, theo kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050, nếu không có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ thì nguồn tài nguyên này suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của hàng trăm ngàn hộ gia đình. Chất lượng nước ngầm tương đối ổn định nhưng suy giảm vào mùa khô.
Nguyễn Thật