Động đất ở Myanmar, Hà Nội và TP HCM cảm nhận rung lắc
Trận động đất mạnh được ghi nhận từ 7,2-7,9 độ ở Myanmar khiến nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM rung lắc, Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi diễn biến.
Theo thông tin từ Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc, cường độ động đất lên tới 7,9 độ, tâm chấn ở độ sâu 30km, gần thành phố Mandalay.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Cơ quan Địa chất Mỹ, cường độ động đất lên tới 7,7 độ.
Vị trí động đất ban đầu được xác định ở vĩ độ 22,01 độ Bắc và kinh độ 95,92 độ Đông.

Theo thông tin ban đầu, tâm chấn ở độ sâu 10km, dư chấn có thể cảm nhận ở các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Lào, Bangladesh.
Tại Việt Nam, rung lắc cũng được ghi nhận vào trưa nay ở Hà Nội.
Cách tâm chấn động đất hơn 1.000 km, người dân sống tại chung cư cao tầng tại nhiều quận ở Hà Nội như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm ghi nhận đồ vật rung lắc trong hơn 10 giây.
Hiện Myanmar vẫn chưa đưa ra thông tin gì về thiệt hại sau trận động đất.
Theo ghi nhận của phóng viên AFP tại Naypyidaw (Myanmar), các con đường bị uốn cong do sức mạnh của trận động đất, nhiều mảng trần nhà rơi xuống từ các tòa nhà.

Tại Thái Lan, một số dịch vụ tàu điện ngầm và đường sắt ở Bangkok đã tạm ngừng hoạt động. Tòa nhà cao tầng đang thi công ở Bangkok, Thái Lan đã sụp đổ hoàn toàn do trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở Myanmar.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) tâm chấn cách thành phố Mandalay khoảng 17,2 km, nơi có dân số khoảng 1,2 triệu người. Các nhân chứng ở Bangkok cho biết mọi người chạy ra đường trong hoảng loạn và nước bắn tung tóe ra khỏi hồ bơi.
Những trận động đất nông như thế này nguy hiểm hơn những trận động đất sâu hơn do chúng giải phóng năng lượng nhiều hơn khi gần bề mặt Trái Đất, gây ra rung chuyển mặt đất mạnh hơn và tăng thiệt hại cho các công trình và thương vong, so với những trận động đất sâu bị mất năng lượng khi di chuyển xuống bề mặt.
Mặc dù Myanmar là quốc gia dễ xảy ra động đất nhưng vẫn chưa có bản đồ nguy cơ động đất quốc gia chính thức nào được đề xuất.
Do sự va chạm giữa các mảng Á-Âu và Ấn-Úc, Myanmar là khu vực có mức độ nguy hiểm động đất cao. Theo các thông số động đất được Trung tâm Địa chấn Quốc tế tóm tắt, khoảng 140 sự kiện có cường độ lớn hơn hoặc bằng 3,0 đã xảy ra ở Myanmar và vùng lân cận hàng năm từ năm 1990 đến năm 2019. Do đó, rõ ràng là Myanmar dễ bị tổn thương trước các mối nguy hiểm từ động đất có cường độ vừa và lớn, bao gồm cả nguy cơ sóng thần dọc theo bờ biển dài của nước này.
Minh Thành