Doanh nghiệp vận tải gồng mình vì giá xăng phi mã
Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đánh giá việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Tổng Giám đốc nhà xe Anh Huy Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết, giá xăng tăng làm tăng chi phí doanh nghiệp là điều có thể nhìn thấy rõ nét. Đặc biệt trong vòng 8 năm trở lại đây thì giá xăng tăng như thế nhưng giá vận tải cũng không thay đổi được vì nhu cầu đi lại của người dân giảm, nên mình tăng giá thì cũng không được.
Ông Hải cũng chia sẻ về tính hai mặt của việc xăng tăng giá nhưng không thể tăng giá vé: Nếu không tăng giá thì doanh nghiệp chết vì chi phí đầu vào đã rất khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện tại tất cả các chuyến xe đường dài nhà xe đang dừng lại và chỉ duy trì xe taxi chạy nội thành, số lượng taxi chỉ còn 30% và 70% còn lại nằm chờ ở bến bãi. Nguyên nhân một phần do thiếu lái xe.
“Tính từ năm 2022 đến nay thì lượng khách hay lượng xe, lượng dịch vụ giảm đi 60 - 70% so với những năm trước”, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Tổng Giám đốc nhà xe Đất Cảng chia sẻ.
Còn ông Hoàng Văn Dinh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Đoàn Xuân (Nhà xe Ôhô) cho biết, hiện tại hãng xe Ôhô đang chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội, với 2 điểm bến là Yên Nghĩa và bến xe Gia Lâm, giá xăng tăng vừa qua đúng là khó khăn chồng chất khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa phải gồng gánh qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 mà giờ lại tăng giá xăng dầu nữa. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp.
“Trong 2 năm trở lại đây, vì tình hình dịch bệnh nên lượng khách đi xe là không có mấy, mỗi chuyến giờ chỉ đc khoảng 5 đến 6 khách. Trước thời điểm dịch bệnh, hàng ngày nhà xe chạy được hơn 100 chuyến, nhưng đến thời điểm hiện tại thì mỗi ngày chỉ chạy được 5, 6 chuyến/bến. Giờ giá xăng tăng lên doanh nghiệp vận tải cũng không thể tự ý tăng giá vé lên được, doanh nghiệp vẫn cố gắng gượng để duy trì hoạt động", ông Dinh nói thêm.
Không giấu nổi sự lo lắng trước việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho hay, doanh nghiệp đang “vò đầu bứt tai” tìm phương án kinh doanh khi giá nhiên liệu liên tục tăng chóng mặt.
Xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Hiện doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ lèo tèo vài khách.
“Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19 kéo dài. Nay giá xăng dầu tăng cao kỷ lục không còn là nỗi lo nữa mà là ác mộng thật sự với ngành vận tải”, ông Học nói.
Một số đơn vị vận tải hành khách, hàng hóa khác khi được hỏi cũng có chung ý kiến về việc giá xăng tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp này mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có những điều chỉnh sao cho việc tăng - giảm giá xăng một cách hợp lý, tránh làm xáo trộn và ảnh hưởng nhiều như đợt xăng tăng vừa qua.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, điều hành xăng dầu gần đây đã lộ ra nhiều vấn đề, thiếu linh hoạt. Theo ông Thịnh, quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần đã gần diễn biến thị trường hơn, nhưng do kỳ điều chỉnh ngày 1/2 trùng với ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nên cơ quan quản lý để đến ngày 11/2 mới điều chỉnh giá, dẫn đến thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh như vậy là quá dài.
Trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng, đẩy giá xăng dầu nhập khẩu tăng lên cao. Khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ rơi vào thua lỗ nếu bán với giá quá thấp. Điều này khiến doanh nghiệp phải bán cầm chừng, thậm chí treo biển "hết hàng".
Mạnh Tưởng