Doanh nghiệp trong nước chuyển mình cùng EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, gọi tắt là EVFTA, một trong những Hiệp định thương mại tự do được đông đảo doanh nghiệp kỳ vọng, vừa có hiệu lực từ ngày 1/8.
Với lợi thế là địa phương chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, tinh bột sắn, mật ong... các doanh nghiệp tại Đắk Lắk có sự chuẩn bị như thế nào để đón lấy các cơ hội từ EVFTA cũng như vượt qua những thách thức đang đặt ra.
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng cà phê, hồ tiêu và một số nông sản trên địa bàn Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cơ bản nắm bắt các nhu cầu thị trường, trong đó châu Âu là thị trường khó tính đòi hỏi nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản phẩm, liên quan đến hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sản xuất.
Dây chuyền đóng bao sản phẩm của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk). |
Cùng với việc đưa ra các cảnh báo giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân thay đổi thói quen sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, công ty đã liên kết chặt chẽ với hàng trăm hộ nông dân, hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất cà phê, hồ tiêu đáp ứng theo yêu cầu thị trường và thu mua sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Âu (EU). Do vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, thì các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi đặt ra từ thị trường EU đã không còn là vấn đề quá khó với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc dự án cà phê bền vững, Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết: "Doanh nghiệp đã rất quan tâm đến vấn đề này, khi mặt hàng nông sản của Việt Nam đi vào thị trường EU sẽ dễ dàng, được ưu đãi nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với các nước nhập khẩu thì đòi hỏi chất lượng rất là khó nên đòi hỏi ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như Simexco phải xây dựng một vùng nguyên liệu để làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn. Đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vào thị trường châu Âu”.
Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, toàn bộ sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Cà phê, gạo, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản Việt Nam được xoá bỏ thuế khi xuất khẩu sang các nước châu Âu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thị trường chậm, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều trở ngại, các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp Đắk Lắk và thị trường EU chưa có nhiều thay đổi, song hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã nắm bắt thông tin, và chuẩn bị các phương án để có thể tận dụng các cơ hội từ EVFTA sau khi dịch Covid-19 đi qua.
Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn G20 Việt Nam, một trong những đơn vị chuyên xuất khẩu sản phẩm cà phê hòa tan cho biết: "Khi dịch bệnh xảy ra thì hầu như các khách hàng châu Âu không nhập hàng hóa từ nước khác, đây là một điều khó khăn cho doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các nước khác. Hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi vẫn duy trì phương thức là nhà phân phối của tại khu vực châu Âu này để họ phân phối cho một số nước. Cùng với đó là đẩy mạnh các tiêu chuẩn để đạt chuẩn EC của họ, đây là tiêu chuẩn bắt buộc. Đây cũng là cách để doanh nghiệp tham gia thị trường này”.
EU là thị trường lớn và tiềm năng với dân số trên 500 triệu người, tổng GDP trên 15.000 tỉ USD, chiếm khoảng 22% GDP toàn thế giới. Châu Âu cũng là khối đối tác thương mại truyền thống của các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam như: Cà phê, hồ tiêu, hạt điều.
Khi hiệp định EVFTA được ký kết cũng là lúc các ngành hàng nông sản có thể tiếp cận được với nhiều quốc gia với lượng khách hàng tiềm năng lớn, là một trong những thuận lợi lớn đối với ngành Nông nghiệp trong bối cảnh sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay.
Là địa phương có lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, tinh bột sắn, mật ong… các doanh nghiệp Đắk Lắk ít nhiều có kinh nghiệm trong việc đưa sản phẩm nông sản chinh phục tại nhiều thị trường khác nhau, trong đó EU là một trong những thị trường uy tín được các doanh nghiệp sớm chú trọng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cấp cao thăm gian hàng cà phê An Thái tại Hội chợ, triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13. |
Với kinh nghiệm xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan nhiều năm, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cà phê An Thái đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác bao bì cũng như sớm chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc thông tin chất lượng để phát triển sản phẩm tại thị trường EU nhất là khi hiệp định EVFTA mở ra.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và phát triển cà phê An Thái nhận định: "Đây là cơ hội để doanh nghiệp bước vào thị trường khó tính hơn. Tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn bởi doanh nghiệp chúng ta có bề dày nhưng so với các doanh nghiệp cà phê trên thế giới thì họ còn mạnh hơn rất nhiều. Chính vì thế chúng ta đang phải chiến đấu với những gã khổng lồ. Trong những năm qua doanh nghiệp phải liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt chú trọng chất lượng để đáp ứng nhu cầu hội nhập".
Có thể nói, doanh nghiệp nông sản Đắk Lắk đang đứng giữa một vùng nguyên liệu có thế mạnh và một thị trường rộng lớn. Song, hành trình dấn thân của doanh nghiệp ra thị trường EU sẽ không dễ dàng. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp rất cần sự hợp tác chặt chẽ từ phía người nông dân, sự hậu thuẫn từ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong việc tư vấn, hỗ trợ thông tin, xúc tiến công nhận truy xuất nguồn gốc, công nhận các quy trình sản xuất từ các vùng nguyên liệu trong nông dân tạo nền tảng cơ bản để doanh nghiệp hoàn thành sứ mệnh của mình trên thị trường.
Hương Lý