Thứ sáu, 19/04/2024 13:28 (GMT+7)
Thứ tư, 04/03/2020 14:30 (GMT+7)

Doanh nghiệp lớn bị kìm hãm phát triển bởi tư duy quản trị 'gia đình'

Theo dõi KTMT trên

Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã ý thức về tầm quan trọng của Quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một quãng đường khá dài để thay đổi về quan điểm điều hành của các ông chủ.

Doanh nghiệp lớn bị kìm hãm phát triển bởi tư duy quản trị 'gia đình' - Ảnh 1
Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp thực hiện tốt công bố thông tin và minh bạch.

Nhìn từ những con số

Theo một báo cáo được đưa ra trong năm 2019 về chỉ số Quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (thuộc Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM), đơn vị đã trực tiếp tham gia khảo sát đánh giá thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (ASEAN Scorecards) tại Việt Nam trong nhiều năm cho thấy các doanh nghiệp đã có cải thiện nhất định trong nhiều khía cạnh như công bố thông tin, vai trò các bên liên quan, thực hành bảo vệ quyền cổ đông, cải thiện trong các thay đổi về thành phần và cấu trúc hội đồng quản trị.

Các thay đổi này giúp điểm số QTCT của các doanh nghiệp trong đánh giá năm 2019 có sự tiến bộ thấy rõ so với năm 2018. Số lượng các doanh nghiệp đạt các mức điểm khá và tốt đã tăng lên đáng kể. Nhóm doanh nghiệp có điểm trên 70 điểm đã tăng từ 3,5% số doanh nghiệp được đánh giá lên 8,4% số doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ở mức điểm [60-70đ] cũng gia tăng từ 20% lên 32% số doanh nghiệp được đánh giá.

Phân tích cho thấy các doanh nghiệp có tinh thần công bố thông tin và minh bạch cũng là các doanh nghiệp đạt được các kết quả đánh giá quản trị tốt. Nhà đầu tư bên ngoài có thể gia tăng niềm tin vào doanh nghiệp thông qua lượng thông tin mà doanh nghiệp cung cấp. Cải thiện công bố thông tin là việc cần làm và đem lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp trong thu hút vốn đầu tư.

Một trong các yếu tố quan trọng trong cải thiện quản trị doanh nghiệp là tôn trọng nhà đầu tư và các bên liên quan thông qua công bố thông tin về các hoạt động quan trọng của doanh nghiệp kịp thời và minh bạch.

Top công ty có mức độ quản trị doanh nghiệp tốt trên thị trường chứng khoán hiện nay là những công ty có tiềm lực tài chính mạnh và minh bạch các hoạt động điều hành về các công ty mặt hàng tiêu dùng như Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, FPT, Vinamilk, Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, CTCP Dược phẩm Imexpharm, CTCP Cơ điện lạnh…

Trong đó, các nhóm ngành về bất động sản, xây dựng, ngân hàng chưa có nhiều ấn tượng trong báo cáo quản trị doanh nghiệp. Riêng về bất động sản, trong năm 2019 có CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2, CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc lọt Top công ty có báo cáo quản trị tốt nhất. Mặc dù chưa có nhiều thay đổi nhưng ghi nhận trong năm 2019, nhiều công ty niêm yết đã có những biến chuyển tích cực trong công tác quản trị doanh nghiệp.

Điển hình là Vinamilk, bên cạnh lợi thế là doanh nghiệp niêm yết lớn và có lợi nhuận cao nhất thị trường, nỗ lực minh bạch, phát triển bền vững của Vinamilk được ghi nhận và vinh danh trước hết từ sự tâm huyết của Ban lãnh đạo Công ty. Tại báo cáo Phát triển bền vững (PTBV), Vinamilk thể hiện rõ cam kết về 3 nhóm trách nhiệm chính của doanh nghiệp, đó là cam kết về sản phẩm, về môi trường-năng lượng và về xã hội.

Chiến lược PTBV này của Vinamilk đã được hòa nhập vào triết lý kinh doanh, chính sách chất lượng và cụ thể hóa trong các cam kết về an toàn, sức khỏe, môi trường và năng lượng của khối sản xuất, tạo nên một hệ thống mục tiêu phấn đấu PTBV cho toàn thể Công ty.

Với hệ thống quản lý bài bản, giàu kinh nghiệm dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến ISO, Global GAP, FSSC…, các chỉ tiêu PTBV của Vinamilk được đưa ra có sự so sánh, phân tích và hướng tới mục tiêu cụ thể trong tương lai. Điều này khiến lộ trình PTBV của Vinamilk có tính khả thi, tin cậy và thuyết phục.

Thay đổi từ chính ông chủ doanh nghiệp

Bức tranh về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam trong vài năm gần đây đã có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay trên thị trường số lượng “ông chủ” vẫn giữ những quan điểm cổ hũ, bảo thủ trong điều hành vẫn còn tồn tại nhiều dẫn đến mô hình này đang bị bó chặt.

Theo phân tích của Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, xuyên suốt nhiều năm nay các chuyên gia vẫn luôn nói về tính minh bạch của thị trường là yếu tố quyết sự phát triển nhưng do tồn tại nhiều công ty đi lên từ công ty gia đình nên vẫn còn nhiều bất cập khó thay đổi. Do sự e ngại của nhà đầu tư khi rót vốn vào các công ty nhập nhằng trong điều hành, không mịch bạch về mọi mặt nên làm hạn chế lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán.

Điển hình như thời gian vừa qua, một số công ty mà báo chí đề cập đến về một số trường hợp như thành lập công ty con, không minh bạch trong quản lý tài chính dẫn đến tâm lý hoang mang trong cổ đông. Ví dụ như Tập đoàn Hoa Sen, do HĐQT của công ty lập thêm công ty con để mua bán cổ phiếu của công ty mẹ dẫn đến tâm lý bất an cho cổ đông.

Một số công ty khác như Công ty HSG, LMH… cũng cũng không minh bạch trong quản trị đã được báo chí đề cập. Do lo ngại bất ổn, nhà đầu tư đã liên tục bán tháo cổ phiếu trong một khoảng thời gian ngắn.

Do đó, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định đối với một công ty được đánh giá cao trên thị trường chứng khoán thì bên ngoài phải phát triển mọi mặt, không chỉ lợi nhuận, doanh thu bền vững, sản phẩm chất lượng mà còn phải có sự minh bạch trong điều hành. Để làm được điều đó thì đòi hỏi đội ngũ điều hành phải nhìn nhận thoáng hơn về cơ chế quản trị.

Phía trong nội bộ phải minh bạch trong các báo cáo đến cổ đông, thông tin rõ ràng, không mâu thuẫn, luôn cập nhật thông tin kịp thời cho các cổ đông nắm rõ. Với những công ty quản trị hiệu quả luôn được nhà đầu tư tin tưởng, đánh giá cao hơn cả khoản lợi nhuận họ có thể đạt đến.

Theo ông Hiển, nguyên nhân khiến cho chỉ số quản trị ở Việt Nam thấp hơn so với khu vực là do nền kinh tế phát triển sau các nước, nhiều công ty quy mô nhỏ, công ty gia đình đi lên nên quá trình làm quen với kinh doanh, tiếp cận thị trường chứng khoán còn chậm và chưa sẵn sàng để thay đổi.

Các doanh nghiệp ở Việt Nam lại trong tầm hạn hẹp, chỉ phát triển sản phẩm trong nước. Trong khi đó, tại Malaysia, Singapore… họ đã có nhiều công ty đứng tầm thế giới. Do đó, để phát triển năng lực kinh doanh thì người chủ không chỉ cần có vốn, tài năng, giỏi phân cực phân cấp, mở cửa đón người tài và đặc biệt có cơ chế mở trong quản trị mới có thể đưa công ty phát triển nhanh và mạnh. Mà bước đầu tiên là tạo được đột phá trên thị trường chứng khoán.

Đơn cử, Vinamilk từng chỉ có 1 thành viên HĐQT độc lập nhưng đến ĐHCĐ tháng 4/2017, doanh nghiệp đã quyết định thay đổi mô hình, xóa bỏ ban kiểm soát, thành lập ủy ban kiểm toán HĐQT. Theo thông lệ quốc tế, Ủy ban kiểm toán cần có đa số thành viên là độc lập, chủ tịch là thành viên độc lập. Theo luật Doanh nghiệp, ít nhất 20% là thành viên độc lập. Vinamilk lúc đó bổ nhiệm thêm 2 thành viên độc lập để đảm bảo yêu cầu.

Nhìn lại các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam, có thể thấy khá ít công ty làm được việc đó như Vinamilk. Để bắt kịp thông lệ quốc tế là quá trình rất dài đối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lớn bị kìm hãm phát triển bởi tư duy quản trị 'gia đình' - Ảnh 2
Doanh nghiệp có cơ chế mở trong quản trị mới có thể đưa công ty phát triển nhanh.

Tại Việt Nam nhiều năm nay các ông chủ thường than phiền rằng không tuyển được CEO, không có người tài về cống hiến mà “quên” không xem lại bộ máy có vấn đề gì hay không?

Ở nước ngoài, HĐQT của doanh nghiệp không phải là người chủ, mà là những người có năng lực, uy tín được ông chủ chọn ra để quản lý. Sau đó, HĐQT tuyển chọn giám đốc và giám sát giám đốc làm việc hiệu quả nhất.

Do đó, muốn phát triển mà cụ thể thay đổi chỉ số quản trị doanh nghiệp thì người chủ phải là người thay đổi đầu tiên. Người chủ tuyệt đối không để những tư tưởng cổ hũ đè nén sự phát triển của doanh nghiệp. Còn nếu vẫn giữ nguyên quan điểm ông chủ là người điều hành, quản lý, nắm quyền quyết tất cả mọi vấn đề của công ty thì sẽ bị bó hẹp và khó vươn xa.

Nam Hưng

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp lớn bị kìm hãm phát triển bởi tư duy quản trị 'gia đình'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .