Thứ tư, 24/04/2024 03:11 (GMT+7)
Thứ ba, 11/06/2019 07:07 (GMT+7)

Doanh nghiệp không thể tác động vào dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia

Theo dõi KTMT trên

Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, quy trình làm luật rất chặt chẽ, do vậy doanh nghiệp "làm sao mà lobby được gần 500 đại biểu".

Chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã chủ trì cuộc thông tin với báo chí về quá trình xây dựng dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia.

Phóng viên đề cập đến việc có đại biểu đi nước ngoài theo chương trình của doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và sau đó đăng đàn phát biểu góp ý về dự Luật; "vậy, Quốc hội ngăn chặn tình trạng nhóm lợi ích tác động vào quá trình làm luật như thế nào?".

Ông Bùi Sỹ Lợi nói: "Tôi cũng từng bị đặt trong nhóm vận động cho lợi ích của các doanh nghiệp rượu, bia. Tuy nhiên, thực tế dự án Luật này được Uỷ ban về các vấn đề xã hội giao cho Phó chủ nhiệm Đặng Thuần Phong chủ trì, chứ không phải tôi".

Theo ông Lợi, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài mời ông chủ trì hội thảo, song ông chưa tham dự bất cứ cuộc nào. Bộ Y tế cũng mời và Ủy ban về các vấn đề xã hội đã cử cán bộ đi nghiên cứu chính sách các nước. Nếu có đại biểu nào đó đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp, không phải nghiên cứu chính sách mà mang tính chất lobby (theo nghĩa vận động hành lang) thì không đúng tinh thần và Quốc hội cũng không cho phép như vậy.

Doanh nghiệp không thể tác động vào dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia - Ảnh 1
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thừa nhận "chưa khi nào làm luật mà có nhiều ý kiến như vậy", ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ thêm, doanh nghiệp có quyền lobby, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo lợi ích của tất cả các bên theo đúng quy định, không phải cứ bên nào có ý kiến thì đại biểu phải nghe theo.

"13 cơ quan gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này, chúng tôi phải tập hợp ý kiến. Việc này cũng rất bình thường, quan trọng là giữ kỷ cương, pháp luật và đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân" - ông Lợi nói.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng thực tế chỉ một vài đại biểu đi khảo sát (nếu có) và "làm sao mà lobby được gần 500 đại biểu Quốc hội". Ông Phúc nhấn mạnh: "Với quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, các doanh nghiệp muốn tác động vào cũng không được".

"Luật phải tôn trọng quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước" - ông nói thêm.

Thông tin về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 14/6, ông Bùi Sỹ Lợi nói, Uỷ ban về các vấn đề xã hội cùng ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, tăng cường các biện pháp ngăn chặn việc lạm dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông.

Cơ quan này cũng tiếp thu đề nghị của Chính phủ về việc đưa trở lại dự thảo Luật quy định (tại điều 3) về "lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia", và báo cáo Thường vụ Quốc hội nội dung này.

Ngoài ra, điều 21 dự thảo Luật được quy định theo hướng "khuyến khích tất cả các trường hợp tham gia giao thông đường sắt, đường thuỷ, đường bộ không sử dụng rượu bia".

Ông Lợi giải thích, quy định "khuyến khích" thì không có tính pháp lý cao như phương án đã xin ý kiến đại biểu hôm 3/6 là "cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu bia". Tuy nhiên, Chính phủ đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật giao thông đường bộ theo hướng xử lý cứng rắn hơn đối với người sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc bổ sung thêm, tới đây nghị quyết của Quốc hội sẽ đưa vào nội dung giao Chính phủ xử phạt năng hơn với tài xế vi phạm nồng độ cồn; ví dụ thời gian tước giấy phép lái xe có thể lên đến 5 năm hay thậm chí là vĩnh viễn, nghĩa là chế tài nặng hơn quy định hiện hành (mức cao nhất phạt tiền 18 triệu đồng, tước bằng lái 6 tháng) để đảm bảo tính răn đe.

Doanh nghiệp không thể tác động vào dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia - Ảnh 2
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Giải thích vì sao Luật Giao thông đường bộ đã có quy định mà Quốc hội vẫn tổ chức lấy ý kiến đại biểu quy định liên quan đến nồng độ cồn của người tham gia giao thông, ông Bùi Sỹ Lợi nói, lúc đầu ban soạn thảo giữ như luật Giao thông đường bộ (cấm tuyệt đối với tài xế ôtô; lái xe gắn máy và các phương tiện khác thì nồng độ cồn trong máu chỉ được ở mức 0,05%). Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị phải chế tài mạnh hơn theo hướng "đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông", nghĩa là cấm tuyệt đối với cả người lái ôtô và xe máy.

"Nếu đại biểu đồng ý tăng chế tài thì chúng tôi sẽ dẫn chiếu để sửa Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, cả hai phương án đưa ra lấy ý kiến đều không được lựa chọn, nghĩa là vẫn thực hiện theo luật giao thông hiện hành" - ông Lợi nói.

Phóng viên nêu câu hỏi: Việc dự thảo Luật mới nhất bỏ quy định "cấm bán rượu, bia trên Internet" đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu, vì sao vừa rồi Quốc hội không đưa nội dung này ra biểu quyết?

Ông Bùi Sỹ Lợi nói: Nội dung này đã có sự thống nhất giữa Chính phủ và Uỷ ban về các vấn đề xã hội. Hơn nữa, cấm bán rượu, bia trên internet liên quan điều khoản trong hiệp định thương mại và cam kết quốc tế, việc này cũng gắn với quy định pháp luật về thương mại và quảng cáo.

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội lần đầu cuối năm 2018, qua hai lần thảo luận tại hội trường, dự kiến được các đại biểu bấm nút thông qua vào ngày 14/6. Tuy nhiên, vừa qua một số ý kiến đặt vấn đề dự Luật này đã bị tác động khiến nhiều quy định quan trọng bị đưa ra khỏi dự thảo, trong đó có quy định "cấm bán rượu, bia trên Internet" nhằm hạn chế mức độ sẵn có của loại đồ uống này.

Theo VNE

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp không thể tác động vào dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.