Doanh nghiệp chế biến thực phẩm tăng gấp đôi công suất đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội trong mọi tình huống, nhiều doanh nghiệp đã tăng gấp đôi công suất chế biến, dự trữ hàng hóa gấp 3 so với tháng bình thường.
Theo đó, từ những ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Sở Công Thương Thành phố đã chủ động đảm bảo nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân, không để dứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đặc biệt cho người dân các khu vực cách ly, phong tỏa.
Số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh một phần đã được thay thế bằng các hệ thống cung ứng hàng hóa của chính quyền và các doanh nghiệp phân phối hàng hóa.
Về nguồn cung, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong Thành phố; các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối, trong đó có những doanh nghiệp tăng 200%.
Sở Công Thương cũng đã chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT cung cấp danh sách các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cho Hà Nội. Đến nay, đã có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Thủ đô. Nhờ đó, hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả cơ bản ổn định.
Các hệ thống phân phối đa dạng hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7....) để phục vụ nhân dân.
Sở cũng đã ban hành hướng dẫn mẫu “Thẻ mua hàng” triển khai trên địa bàn toàn Thành phố. Việc công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để cung cấp cho người dân tham gia mua sắm trực tuyến đã giúp giảm tải việc người dân đến trực tiếp các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Về lưu thông hàng hóa, Thành phố đã xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn. Sở Giao thông vận tải đã duyệt cấp mã QR Code đăng ký cho các xe tham gia vận chuyển cung ứng hàng hóa. Nhờ đó, hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông bình thường.
Bên cạnh việc tổ chức các điểm bán hàng hóa thiết yếu sẵn có trên địa bàn, để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân, đặc biệt khi địa bàn có các điểm bán tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thành phố đã triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân: Tổ chức 62 điểm bán hàng lưu động tại 11 quận; 13 "Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động đã hỗ trợ được gần 22.000 suất quà (400.000 đồng/suất) với tổng trị giá khoảng 8,8 tỷ đồng; chuyển đổi 342 địa điểm của các bưu cục, nhà sách, cửa hàng điện máy thành điểm bán hàng thiết yếu; trưng dụng 05 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa để kết nối hàng hóa cho Thành phố và giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối…
Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế ban hành Hướng dẫn số 3733/HD-SCT ngày 23/8/2021 của Sở Công Thương Hà Nội để thực hiện khắc phục và mở cửa trở lại các hệ thống phân phối theo quy định để thống nhất thực hiện trên địa bàn toàn Thành phố.
Đối với mạng lưới cung ứng, phân phối trên toàn địa bàn thành phố, các hệ thống phân phối trên địa bàn gồm: 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm; Các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị; Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm: 52 đơn vị; 606 cửa hàng gas; 480 cửa hàng xăng dầu; 150 kho hàng; 125 đơn vị trồng trọt các mặt hàng thiết yếu; 378 doanh nghiệp chăn nuôi gia súc gia cầm; 16 đơn vị có khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ trẻ em, người cao tuổi; 52 đơn vị sản xuất khẩu trang, 5 đơn vị sản xuất nước sát khuẩn, nước rửa tay khô. Các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến: 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu. Nguồn cung hàng hóa dựa trên 2 nguồn: Nguồn sản xuất trên địa bàn Thành phố và nguồn kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Hà Nam