Thứ tư, 24/04/2024 23:35 (GMT+7)
    Thứ năm, 14/04/2022 16:00 (GMT+7)

    Đô thị TP.HCM "méo mó" bởi những dự án chậm triển khai

    Theo dõi KTMT trên

    Nhiều dự án nằm ở vị trí trung tâm TP.HCM chậm triển khai, gây ảnh hưởng tới đề án xây dựng "thủ phủ kinh tế" của cả nước trở thành đô thị thông minh.

    Nhiều dự án "ôm đất

    TP.HCM đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, trở thành trung tâm tài chính Châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, TP.HCM chú trọng tới việc phát triển không gian cây xanh, thân thiện môi trường, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất đai, bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái…

    Tuy nhiên, mục tiêu trên của TP.HCM sẽ gặp phải những trở ngại, đặc biệt là đối với các khu đất được quy hoạch, chấp thuận chủ trương làm dự án nhưng lại chậm tiến độ cả chục năm khiến cho công tác quy hoạch gặp không ít khó khăn.

    Đơn cử như khu đất có diện tích hơn 8.000 m2 được quy hoạch làm dự án Trung tâm Thương mại - Văn phòng - Khách sạn tại số 1 Công trường Quốc tế, số 7 Phạm Ngọc Thạch, số 86 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 do Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Quảng trường Quốc tế (Quảng trường Quốc tế) làm chủ đầu tư. Năm 2015, UBND TP.HCM có quyết định cho thuê đất với yêu cầu dự án đến quý 4/2018 phải hoàn thành, đi vào hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa thi công.

    Khu đất xây dựng dự án này vốn là đất công, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý và có liên quan đến Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh (trụ sở: Số 1 Công trường Quốc tế, phường 6, quận 3, TP.HCM) do ông Lê Thanh Liêm là người đại diện pháp luật. Tháng 12/2021, Thanh tra TP.HCM từng ban hành kết luận, nêu ra nhiều sai phạm trong quá trình thoái vốn của công ty nhà nước, thực hiện nghĩa vụ tài chính…

    Đô thị TP.HCM "méo mó" bởi những dự án chậm triển khai - Ảnh 1
    Khu đất công số 7 Phạm Ngọc Thạch, số 86 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM bỗng nhiên về tay Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh do ông Lê Thanh Liêm làm đại diện pháp luật.

    Quảng trường Quốc tế ban đầu có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, do 4 cổ đông sáng lập, gồm: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Saigon Co.op), Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 và Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn. Trong đó, Saigon Co.op là cổ đông chính khi chiếm tới 51% vốn điều lệ.

    Đến cuối năm 2021, Quảng trường Quốc tế chỉ còn lại 3 cổ đông, cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi khi có sự xuất hiện của Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh, chiếm tới 69,997% vốn điều lệ; Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giữ 30% vốn điều lệ; phần còn lại thuộc về cá nhân ông Đặng Thanh Hải (chiếm 0,003% vốn điều lệ).

    Được biết, Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh do ông Lê Thanh Liêm, người từng tham gia vào nhiều thương vụ huy động vốn và mua bán, sáp nhập doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Nam.

    Thanh tra TP.HCM chỉ ra, sau khi được UBND TP.HCM cho thuê đất, 3 cổ động chiếm 70% vốn điều lệ (Saigon Co.op, Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 , Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn) đã chuyển nhượng cổ phần cho Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh để thu lợi là không thực hiện đúng chủ trương của UBND TP.HCM tại thông báo số 417/TB-VP ngày 18/6/2009 của Văn phòng UBND Thành phố.

    Ngoài ra, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính; Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng có sai phạm; Công tác quy hoạch cũng gặp vấn đề khi thiếu tính nhất quán, trong khu đất có công trình Thuỷ đài là di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh của TP.HCM nhưng chưa đề xuất UBND Thành phố điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho phù hợp; Trong nhiều năm, khu đất này không thi công nhưng lại tiến hành cho thuê vào mục đích sử dụng khác thu lợi số tiền hơn 50 tỉ đồng.

    TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai trong nhiều năm nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án… Tất nhiên, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chủ đầu tư chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi giao cho doanh nghiệp khác có năng lực để triển khai dự án, từ đó không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    Hiện Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Phan Văn Mãi, đã chỉ đạo thu hồi lại khu đất này. Sẽ chuyển cơ quan điều tra nếu chủ đầu tư không bàn giao khu đất dự án, không thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan.

    "Trường hợp Công ty Quảng trường Quốc tế và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện không đầy đủ chỉ đạo của UBND Thành phố (không bàn giao khu đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan kịp thời) dẫn đến gây thất thoát, lãng phí thì tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND Thành phố xử lý chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an để làm rõ, xử lý…", ông Phan Văn Mãi chỉ đạo.

    Ông Mãi cũng giao Sở Nội vụ chủ trì tổ chức kiểm điểm, đề xuất xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có thiếu sót, sai phạm theo kết luận thanh tra.

    Một khu đất khác có 4 mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM cũng đang chậm triển khai là dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt Corporation) làm chủ đầu tư. Dự án này có mục tiêu tổ chức các sự kiện thể thao của TP.HCM và cả nước, trong đó có kỳ Sea Game 31 chuẩn bị diễn ra.

    Đây là dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), UBND TP.HCM chỉ định cho Phát Đạt Corporation làm chủ đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2012 với tổng vốn đầu tư ước tính 988 tỉ đồng. Nhưng sau 3 lần điều chỉnh, hiện nay dự án này đã đội vốn lên 1.953 tỉ đồng. Vì dự án đội vốn và để cho Phát Đạt Corporatinon thực hiện dự án này, UBND TP.HCM phải đổi lại bằng 3 khu đất ở địa chỉ 257 Trần Hưng Đạo, quận 1; Số 3 – 3Bis Phan Văn Đạt, quận 1; Khu đất rộng 3ha tại trường đua Phú Thọ, quận 11.

    Đô thị TP.HCM "méo mó" bởi những dự án chậm triển khai - Ảnh 2
    Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng do Phát Đạt Corporation làm chủ đầu tư suốt 10 năm qua vẫn chưa thể hoàn thành dù Sea Game 31 đang tới gần.

    Thế nhưng, dù Sea Game 31 tổ chức chậm lại 1 năm do tình hình dịch bệnh và chuẩn bị diễn ra nhưng đến nay dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng vẫn chỉ là bãi đất trống. Xung quanh dự án được quây tôn, bên trong cỏ mọc um tùm, ảnh hưởng tới nhiều sự kiện của TP.HCM và cả nước.

    Dự án tháp SJC ở khu tứ giác Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực, quận 1 được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều hình ảnh tích cực về xây dựng cho TP HCM nhưng cũng "đắp chiếu" hơn 15 năm qua. Năm 2005, dự án tháp SJC được quy hoạch gồm 6 tầng hầm, 54 tầng cao với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, tổng diện tích 3.805 m2. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

    Khu đất xây dựng dự án cũng chính là nơi tọa lạc của trung thâm thương mại quốc tế ITC trước đây - nơi xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 2002 khiến 60 người thiệt mạng. Đến năm 2007, dự án tháp SJC được chuyển cho chủ đầu tư mới là Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương. Đây là công ty liên doanh do nhiều công ty góp vốn sở hữu, trong đó Công ty SJC sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại là các doanh nghiệp khác.

    Đối với dự án này, ông Nguyễn Thành Phong - nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, từng nhận định “dự án tháp SJC là một trong 3 dự án bất động sản nằm ở trung tâm quận 1 làm “xấu” bộ mặt thành phố”. Từ sau khi được phê duyệt dự án tháp SJC cũng chỉ là một bãi đất trống được quây kín bằng hàng rào tôn.

    Khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, quận 1 được xem là khu đất “kim cương” hiếm hoi còn sót lại nằm giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và từng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn với cao ốc phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn 6 sao do Công ty Cổ phần Đầu tư quảng trường Mê Linh làm chủ đầu tư nhưng vẫn đang nằm hoang sơ hơn 10 năm qua.

    Ngoài ra, tại TP.HCM còn nhiều dự án chậm tiến độ trong suốt thời gian dài mà chưa hẹn ngày về đích, như: Khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp BMC – Hưng Long (quận 7); Dream Home Palace (quận 8); Gem Riverside (quận 2);…

    Dự án chậm tiến độ làm xấu bộ mặt đô thị

    Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, ai cũng thấy được những tác hại ghê gớm của việc chậm đưa đất vào khai thác. Đối với nhà nước không thu được thuế, tiền sử dụng đất và các loại phí. Đối với xã hội là các dự án này làm xấu đi bộ mặt đô thị, gây nhếch nhác, mất mỹ quan.

    Đối với người dân càng thiệt hại nặng nề hơn vì không đền bù trong khi quyền lợi của họ bị “treo” hàng thập kỷ, thậm chí nhiều thập kỷ. Giải pháp giải quyết tình trạng này là thu hồi lại dự án.

    Nhưng ông Châu cho biết, bản thân luật Đất đai cũng không quy định rõ như thế nào là không đưa vào sử dụng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khe hở này để đối phó với cơ quan chức năng bằng cách triển khai nhỏ giọt, mỗi năm một ít.

    Hiện nay, theo quy định của luật Đất đai, dự án được cấp quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư… có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng có thể được gia hạn thêm và tối đa 48 tháng phải đưa đất vào khai thác sử dụng. Nếu hết thời gian này, dự án vẫn bỏ hoang, vẫn “treo”, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư và thu hồi đất mà không bồi thường.

    Nhưng hiện nay các địa phương mới dừng lại ở việc thu hồi quyết định chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư nếu dự án chậm triển khai mà khó thu hồi được đất, nhất là trong trường hợp đất do chủ đầu tư tự đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi luật quy định nhà nước chỉ được thu hồi đất trong một số trường hợp cần thiết mà không có trường hợp dự án chậm triển khai.

    Ngọc Long

    Bạn đang đọc bài viết Đô thị TP.HCM "méo mó" bởi những dự án chậm triển khai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới