Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ trọng tâm
Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Theo đó, Bộ sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2020 - 2025, đồng thời, xác định một số nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030 mang tính định hướng lâu dài theo Chương trình.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án trọng tâm
Bộ TN&MT sẽ chủ trì thực hiện 16 dự án thuộc Chương trình, bao gồm các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và các dự án điều tra, đánh giá, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bởi vậy, nội dung Kế hoạch tập trung quản lý chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện Chương trình; đảm bảo việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án đạt chất lượng và hiệu quả cao; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của các cơ quan, đơn giản hóa các thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Kế hoạch cũng đề ra 10 nhiệm vụ về tổ chức quản lý. Để thực hiện các Chương trình, nhiệm vụ trọng tâm, Bộ TN&MT sẽ đổi mới cơ chế điều phối việc thực hiện và nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan. Nổi bật là nhiệm vụ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ xây dựng và ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá phục vụ công tác điều tra cơ bản TNMT biển. Đa dạng hóa và huy động, bố trí đủ và sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Đồng thời, tập trung xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Kế hoạch cũng tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết các dự án thuộc Chương trình, cùng với đánh giá thực hiện Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.
Tăng cường quản lý Nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. (Ảnh MH) |
Tăng cường thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế
Để tăng cường công tác thông tin - tuyên truyền, Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình; rà soát các kết quả, nghiên cứu, biên tập, xuất bản các ấn phẩm và công bố thông tin về công tác điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo. Trước mắt sẽ nghiên cứu, xuất bản Báo cáo thường niên về điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, lồng ghép nội dung điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo trong công tác tuyên truyền về biển và hải đảo, phục vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trong Biển Đông và phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong vấn đề hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT sẽ xây dựng và thực hiện nội dung này trong các dự án thuộc Chương trình; lồng ghép điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong các dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và trong tổ chức thực hiện Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030.
Trọng tâm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực tài nguyên môi trường biển và hải đảo để tiếp nhận, chuyển giao tri thức, công nghệ. Đồng thời, tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia khoa học hàng đầu, cán bộ quản lý Nhà nước có trình độ cao về lĩnh vực này.
Giai đoạn này cũng sẽ tập trung mở rộng quy mô hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu một số vấn đề quan trọng trong Biển Đông nhằm nâng cao giá trị khoa học và thực tiễn của các sản phẩm được tạo ra. Từ đó, tạo bước chuyển biến mới về công nghệ nghiên cứu biển, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ biển, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Có các biện pháp cụ thể huy động sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước vào quá trình triển khai thực hiện Chương trình, tổ chức các đoàn ra và đoàn vào trao đổi, học tập kinh nghiệm, tham gia Hội thảo, Hội nghị quốc tế; thuê các tổ chức, cá nhân nước ngoài triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình theo quy định.
Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ cho các các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trong mỗi giai đoạn, bảo đảm tính toàn diện, khả thi, đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan.
Kế hoạch sẽ cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ, toàn diện những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7/1/2020. Việc xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 là tiền đề quan trọng thực hiện thành công Chương trình. |
Khánh Ly