Thứ sáu, 22/11/2024 13:29 (GMT+7)
Thứ năm, 03/11/2022 10:55 (GMT+7)

Điều kiện để viên chức được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Có nhiều vấn đề rủi ro cần lưu ý đối với người mua nhà ở xã hội. Theo quy định hiện hành, viên chức là một trong những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Điều kiện được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội

Một căn nhà để an cư lạc nghiệp tại các thành phố lớn là mơ ước của các cán bộ, viên chức lâu năm, của nhiều thanh niên ngoại tỉnh mới ra trường đi làm. Thấu hiểu nhu cầu này thì Chính Phủ đã có chương trình nhà ở xã hội nhằm giúp cho những người có thu nhập thấp có thể sở hữu một căn nhà. Một chính sách mang lại kỳ vọng nhằm hiện thực hóa ngôi nhà mơ ước cho rất nhiều người dân.

Cụ thể, khoản 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Điều kiện để viên chức được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội - Ảnh 1

Viên chức là một trong những đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa)

Về hình thức hỗ trợ nhà ở xã hội cho viên chức được quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 như sau: Hỗ trợ giải quyết cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 49 của Luật này; đối với đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này thì chỉ được thuê nhà ở xã hội.

Điều điều kiện để viên chức được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở 2014 như sau: đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này thì phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định sau đây:

Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;

Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này;

Đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 của Luật này thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định tại điểm này.

Phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn vướng mắc

Nói về câu chuyện nhà ở giá rẻ nói chung, NƠXH cho người thu nhập thấp nói riêng, luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và đông đảo người dân đặc biệt quan tâm. Nhưng tình trạng “lệch pha” cung cầu trên thị trường vẫn diễn biến ngày một sâu sắc mà chưa có giải pháp hiệu quả để cân đối.

Cụ thể, quỹ nhà ở dành cho người thu nhập cao đang ngày càng dư thừa, trong khi DN vẫn chỉ chú tâm đầu tư vào phân khúc này vì mang lại lợi nhuận cao, thời gian thu hồi vốn nhanh. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2021 phân khúc căn hộ trung - cao cấp trên thị trường đang dư thừa khoảng trên 70 triệu mét vuông sàn.

Trong khi đó, nhà ở giá thấp (trong đó có NƠXH) chiếm khoảng 70-80% nhu cầu của người dân thì lại đang thiếu hụt trầm trọng. Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đã hoàn thành 279 dự án NƠXH, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.400.000 m2 sàn nhà ở.

Trong đó, NƠXH cho công nhân khu công nghiệp (KCN) là 122 dự án, diện tích 2.721.500 m2; NƠXH dành cho người thu nhập thấp ở các đô thị có 157 dự án, diện tích 4.674.000 m2. Đồng thời, những dự án đã được cấp phép và đang triển khai đầu tư xây dựng là 355 dự án.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trước đó từng thẳng thắn thừa nhận: “Kết quả phát triển các dự án NƠXH, nhà ở công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 còn hạn chế so với nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp, trung bình, công nhân KCN. Các dự án chậm triển khai do thiếu vốn, vướng mắc về cơ chế, trong khi đó giá nhà đất liên tục tăng cao. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại đô thị, công nhân KCN càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận, tạo lập chỗ ở”.

Còn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang: "Các quy định về việc phát triển NƠXH hiện nay còn bất cập, trong đó mới có DN tham gia đầu tư, chưa cho phép sự tham gia của người dân, nhất là công nhân, người dân tham gia. Do đó, việc đầu tư phát triển NƠXH phải có sự tham gia của nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là sự tham gia của đầu tư công hoặc giao cho DN Nhà nước đầu tư, nhưng rất cần sự tham gia của Nhà nước. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn đối với công tác này, trong đó phải có quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển NƠXH".

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc: "Phải xem xét quy định liên quan 20% diện tích trong khu đô thị, khu nhà ở thương mại cho NƠXH. Đặc biệt, việc phát triển NƠXH ở nước ta cần nghiên cứu, học tập và áp dụng các mô hình phát triển tại một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã làm hiệu quả".

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho hay: “Đề xuất cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH trong dự án hoặc hoán đổi quota 20% quỹ nhà ở, đất ở của dự án nhà ở thương mại bằng số lượng NƠXH tương đương tính theo căn hộ.

Hình thức hoán đổi khác gồm dùng diện tích sàn xây dựng căn hộ, đất ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại thời điểm hoán đổi để sử dụng làm NƠXH theo quy định. Ngoài ra, nên xem xét cho phép DN, hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê là phòng trọ, nhà trọ trên diện tích đất ở hợp pháp của mình”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điều kiện để viên chức được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới