Thứ sáu, 19/04/2024 13:43 (GMT+7)
Thứ hai, 04/07/2022 16:00 (GMT+7)

Điều chỉnh giá xăng dầu: Mức giảm "chẳng thấm vào đâu"

Theo dõi KTMT trên

Sau 7 lần tăng giá liên tiếp, ngày 1/7, giá xăng đã được điều chỉnh giảm nhẹ từ 100 - 400 đồng/lít. Mức giảm này cũng đã khiến không ít người tiêu dùng thất vọng vì mong ngóng quá lâu giá xăng giảm.

Mức giảm nhỏ giọt

Sau 7 lần tăng giá liên tiếp, giá xăng đã được điều chỉnh giảm nhẹ từ 100 - 400 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh ngày 1/7. Cụ thể mỗi lít xăng E5 RON92 giảm 410 đồng, RON95 giảm 110 đồng/lít.

Mức giảm này không trái với dự đoán trước đó của nhiều chuyên gia, nhưng vẫn không khỏi khiến người tiêu dùng thất vọng vì mong ngóng quá lâu giá xăng giảm.

Chia sẻ với báo chí, chị Thu Lan - một người bán hàng online cho rằng: "Tăng thì tăng mạnh, còn giảm thì giảm ít, thậm chí mức giảm này cũng như không. Giá xăng vẫn cao ngất thế này thì chúng tôi làm ăn thế nào nổi".

Chị Lan cũng cho biết, từ khi giá xăng tăng mạnh, chị làm ăn chật vật hơn hẳn. Vì phí ship chuyển hàng ngày càng đắt theo giá xăng khiến khách ngại mua hàng online, chị phải bỏ tiền túi để bù ship nhằm giữ khách. Ròng rã nhiều đơn hàng trong nhiều ngày phải bù tiền kiểu này nên chị Lan không thể lời lãi nhiều như trước, thậm chí chỉ dám lấy công làm lãi.

Cũng theo dõi diễn biến giá xăng thường xuyên, anh Đức Thắng, một shipper ở Hà Nội nói: “Nhiều ngày nay, tôi nghe tin các Bộ, ngành đang đề xuất giảm thuế với xăng dầu để hạ giá bán. Tôi rất mong ý kiến này sớm được thông qua, vì nếu không thì cánh tài xế chúng tôi rất khó trụ với nghề khi làm ăn vất vả mà lời lãi không nhiều. Quả thật, mức giảm lần này không thấm vào đâu. Ví dụ, mỗi lần đổ 3,5 lít xăng RON95 cho chiếc xe Way của tôi thì cũng chỉ giảm được 350 đồng/bình”.

Doanh nghiệp khó giảm giá cước

Cũng chia sẻ về mức giảm xăng dầu tại kỳ điều chỉnh ngày 1/7, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, mức giảm này chưa thể để doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước vận tải.

Ông Trần Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu (quận 12, TP.HCM) cho biết, giá xăng giảm nhưng giá dầu còn neo ở mức cao, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước chứ chưa thể điều chỉnh giảm ngay lập tức.

Theo ông Thành, nhiều khách hàng nghe giảm giá xăng sẽ thắc mắc vì sao chưa giảm giá cước, trong khi hầu hết các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là xe đầu kéo, đều sử dụng nhiên liệu là dầu.

"Ở kỳ điều chỉnh ngày 1/4, giá dầu tăng mạnh lên 1.447 đồng/lít nhưng nay điều chỉnh giảm 700 đồng/lít, rất khó cho các doanh nghiệp cân đối chi phí giảm cước", ông Thành nói.

Điều chỉnh giá xăng dầu: Mức giảm "chẳng thấm vào đâu" - Ảnh 1
Mức giảm xăng dầu tại kỳ điều chỉnh ngày 1/7, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, mức giảm này chưa thể để doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước vận tải.

Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết, đặc điểm xe container sử dụng nhiên liệu dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí trên cước vận chuyển. Trước đây, mỗi chuyến xe hết khoảng 1 triệu đồng chi phí, trong đó chi phí cho dầu chiếm 350.000 đồng. Tính từ tháng 6/2021 đến nay, giá dầu đã tăng hơn 50%, tương ứng với tiền dầu lên tới hơn 500.000 đồng trên 1 cuốc xe.

"Trong khi đó, việc tăng giá cước vận tải rất khó khăn, chẳng hạn như Kim Phát chỉ tăng 5-7% giá cước, chủ yếu bù chi phí chứ không dám nghĩ sẽ có lợi nhuận nhiều ở thời điểm này", ông Thanh cho biết.

Muốn có mức giảm mạnh, phải giảm thuế

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, Thành viên Hội đồng quản trị và cố vấn chiến lược cho một số công ty tại TP.HCM, cho rằng, muốn nhanh chóng hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước, cần khẩn trương giảm thuế. Theo ông Hiển, giá cả các mặt hàng thiết thực với người dân đã leo thang theo giá xăng dầu, làm tiềm ẩn nhiều nỗi lo không chỉ với người dân, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

“Người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm hàng hóa. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong hoạch định chiến lược kinh doanh. Việc giảm thuế để kìm giá xăng dầu là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt”, TS Hiển nói.

Tại nhiều doanh nghiệp vận tải, lượng xe nằm bãi nhiều hơn xe chạy, nếu giá xăng dầu vẫn giữ mức cao như hiện nay thì doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm, dồn chuyến, tuyến hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Ông Hiển nhận định, cần khoanh lại tổng số ngân sách thu được từ xăng dầu thông qua thuế phí vào thời điểm xăng dầu chưa biến động mạnh, rồi Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế phí sao cho nguồn thu ngân sách không giảm đi, tức không làm mất cân đối ngân sách của đầu 2022 khi thời điểm giá xăng dầu chưa tăng. Và khi Quốc hội quyết định giảm thuế, cần nghiên cứu theo hướng mức giảm tối đa các loại thuế này.

Điều chỉnh giá xăng dầu: Mức giảm "chẳng thấm vào đâu" - Ảnh 2
Các chuyên gia cho rằng, cần giảm thêm thuế để hạ nhiệt giá xăng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Điều chỉnh giá xăng dầu: Mức giảm "chẳng thấm vào đâu". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .